Tiêu chuẩn ASC đối với ngành cá tra Việt Nam (02/08/2013)

Qua hai thập niên, ngành cá tra Việt Nam đã có sự phát triển vượt bậc, tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng này đã đặt ra nhiều thách thức. Để giải quyết điều này cần phải có những tiêu chuẩn thiết thực và đáng tin cậy.

Câu chuyện thần kỳ trong nuôi trồng thủy sản

Con cá tra Việt Nam là câu chuyện thần kỳ trong nuôi trồng thủy sản. Chưa một đối tượng nuôi nào có sự phát triển nhanh chóng như vậy. Chỉ trong vòng hai thập niên, sản lượng cá tra của Việt Nam đã tăng lên 50 lần (Đại học Bonn, CHLB Đức, 2011). Là loài ăn tạp, nhu cầu về ôxy và các điều kiện môi trường tương đối dễ dãi, cá tra có thể thả nuôi với mật độ rất cao, lên tới 450 - 500 tấn/ha. Sự phát triển nhanh chóng đi cùng với hàng loạt những khó khăn, thách thức và các vấn đề bền vững như môi trường, xã hội, kinh tế.

 Để giải quyết những khó khăn thách thức này cần nhiều hành động và cơ chế linh hoạt, sự tham gia của các bên trong chuỗi sản xuất và đặc biệt là chính sách phát triển của nhà nước.

Đối với nuôi trồng thủy sản nói chung, cũng như nuôi cá tra nói riêng, những vấn đề cần quan tâm là việc sử dụng nguồn tài nguyên đất, nước, các tác động tới môi trường, đa dạng sinh học, sử dụng nguồn giống, hóa chất và thuốc thú y... Ngoài ra còn những vấn đề xã hội như xung đột giữa người lao động và người sử dụng lao động, giữa người nuôi và cộng đồng dân cư xung quanh vùng nuôi, những đề kinh tế như hiệu quả sản xuất, giá bán... Vậy làm sao để quản lý tốt các vấn đề trên mà vẫn đảm bảo cho sự phát triển bền vững của nghề nuôi cá tra?

 

Phát triển bền vững nghề nuôi cá tra là một bài toán không dễ giải 

Các tiêu chuẩn nuôi trồng thủy sản bền vững và tiêu chuẩn ASC

Trong những thập kỷ gần đây, áp dụng tiêu chuẩn được coi là một cơ chế hiệu quả trong việc hướng sản xuất theo hướng bền vững. Đối với nuôi trồng thủy sản, Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử trong nuôi trồng thủy sản có trách nhiệm (CCRF) tập trung những vấn đề bền vững chính như: (1) Thẩm quyền quốc gia với vấn đề phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững; (2) Phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững trong mối quan hệ với hệ sinh thái nước xuyên quốc gia; (3) Sử dụng tài nguyên gen di truyền động vật thủy sản; (4) Nuôi trồng thủy sản có trách nhiệm ở cấp độ sản xuất.

Hiện nay có hơn 30 hệ thống tiêu chuẩn nuôi trồng thủy sản bền vững khác nhau, mỗi hệ thống tiêu chuẩn có những trọng tâm và ưu tiên riêng, nhưng nhìn chung đều xoay quanh những vấn đề bền vững được xác định trong Bộ Quy tắc ứng xử trong nuôi trồng thủy sản có trách nhiệm của FAO.

Tiêu chuẩn ASC cá tra là tiêu chuẩn tự nguyện được ban hành bởi Hội đồng Quản lý Nuôi trồng Thủy sản ASC. Giống như những tiêu chuẩn bền vững khác, ASC cũng tập trung vào các vấn đề nuôi trồng thủy sản bền vững. Tuy nhiên, ASC đặt biệt chú trọng vào các vấn đề về bảo tồn hệ sinh thái và an sinh xã hội. Những lợi ích trong quá trình sản xuất có thể thấy được từ việc áp dụng tiêu chuẩn ASC là việc giảm thiểu các tác động tiêu cực tới môi trường, tăng cường hiệu quả sản xuất (giảm tỉ lệ tiêu thụ thức ăn, tỉ lệ chết), cải thiện an sinh xã hội cho người lao động cũng như cộng đồng dân cư xung quanh vùng nuôi… Bên cạnh đó, nhu cầu mua hàng có tiêu chuẩn ASC tại thị trường nhập khẩu châu Âu đang tăng lên và sẽ trở thành yêu cầu quan trọng trong những năm tới. Những thị trường nhập khẩu khác như Mỹ, Nhật đang dần bị hấp dẫn bởi với các sản phẩm đạt tiêu chuẩn chứng nhận ASC.

Ở góc độ kỹ thuật, bộ tiêu chuẩn ASC được xây dựng trong thời gian 3 năm bởi rất nhiều người và các bên liên quan trong chuỗi sản xuất như người nuôi, người chế biến, người mua, nhà khoa học, tổ chức phi chính phủ, các tổ chức bảo tồn... Việc chứng nhận theo tiêu chuẩn ASC là sự xác nhận cấp quốc tế đối với thủy sản nuôi có trách nhiệm.

Trong thời điểm hiện tại, áp dụng tiêu chuẩn ASC cá tra là biện pháp hiệu quả để đưa nghề nuôi đi theo hướng sản xuất bền vững. Nhưng chúng ta phải nhìn nhận trung thực rằng không có một biện pháp thần kỳ nào có thể giải quyết được mọi vấn đề. Tiêu chuẩn ASC cũng không thể đảm bảo hoàn toàn rằng nghề nuôi cá tra của Việt Nam sẽ bền vững. Để đạt mục tiêu này cần sự tham gia của toàn bộ các bên trong chuỗi sản xuất, những chính sách phát triển và hỗ trợ của nhà nước, của các tổ chức phi chính phủ và nhà khoa học, đặc biệt là nhận thức và mong muốn của chính người nuôi.

Quốc Minh - Mai Thành Chung

Thủy sản Việt Nam

Share on Facebook   Share on Twitter Share on Google Share on Buzz
Địa chỉ: Tầng 4, tòa nhà 130 Nguyễn Đức Cảnh, Tương Mai, Hoàng Mai, Tp. Hà Nội
Điện thoại: 0243.634.1933
Fax: 0243.634.1137
Email: sale@vinacert.vn
Giấy phép đăng ký kinh doanh số:
0102152121
Cấp ngày: 18/11/2022 " cấp lần 5"
Tại Sở KH& Đầu tư TP.Hà Nội.
Bản quyền © 2007 - Thuộc về Công ty CP Chứng nhận và Giám định VinaCert
Đang online: 56
Tổng truy cập: 10484708