Tiếp cận hệ thống Fami-QS cùng VinaCert (05/03/2022)

Đây là chủ đề hội thảo quốc tế do Công ty Cổ phần Chứng nhận và Giám định VinaCert phối hợp với tổ chức FAMI-QS tổ chức mới đây bằng hình thức trực tuyến.

Trong khuôn khổ chương trình hợp tác giữa VinaCert và Fami-QS, đây là lần đầu tiên hội thảo được tổ chức trực tuyến, thu hút sự tham gia của gần 100 đại biểu, đại diện các tổ chức/ doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất nguyên liệu, phụ gia thức ăn chăn nuôi, preimix chăn nuôi; thức ăn thủy sản bổ sung,… trên cả nước.


Giám đốc Chứng nhận Đặng Thị Hương phát biểu khai mạc. Ảnh chụp màn hình.

Phát biểu khai mạc hội thảo, đại diện cho VinaCert, Giám đốc Chứng nhận Đặng Thị Hương cho biết, những năm qua, cùng với định hướng phát triển kinh tế của đất nước, Đảng và Chính phủ đã xác định chăn nuôi là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn, có nhiều tiềm năng để phát triển.

Theo đó, thức ăn chăn nuôi được xem là nguyên liệu cho ngành chăn nuôi; có động lực tăng trưởng từ sự phát triển của ngành chăn nuôi/ nuôi trồng thủy sản. Thức ăn chăn nuôi quyết định hiệu quả, hiệu xuất chăn nuôi, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng hiện đại hóa.

Với đặc điểm điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội của Việt Nam, ngành thức ăn chăn nuôi thu hút lượng lớn sự đầu tư của các doanh nghiệp trong nước, nước ngoài, có tác động qua lại với nền kinh tế vĩ mô, môi trường và an sinh xã hội.

Chính phủ và các cơ quan quản lý chuyên ngành chăn nuôi, thủy sản luôn bày tỏ quan điểm về quản lý chất lượng và an toàn thực phẩm của thức ăn chăn nuôi một cách rất nghiêm ngặt. Điều đó thể hiện ở các quy chuẩn kỹ thuật về thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản. Do đó, các sản phẩm này bắt buộc phải được chứng nhận hợp quy.

Ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi có tầm quan trọng to lớn và còn rất nhiều tiềm năng để phát triển. Theo chiến lược của ngành chăn nuôi Việt Nam, đến năm 2030 tất cả các cơ sở chế biến thức ăn chăn nuôi công nghiệp phải áp dụng hệ thống quản lý HACCP, ISO, GMP,… hoặc tương đương. Đây là một trong những chiến lược để quản lý và phát triển bền vững.

Còn trên thế giới, ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi được định hình và phát triển từ nhiều năm trước và phát triển bền vững ở các nước như châu Âu, Hà Lan, Trung Quốc, Bra-xin… Để quản lý chất lượng thức ăn chăn nuôi, các quốc gia này cũng đưa ra các tiêu chuẩn quản lý nghiêm ngặt theo GMP, ISO 22000, FSSC,…

Nhấn mạnh đến tính đặc thù của ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi, Giám đốc Chứng nhận Đặng Thị Hương cho biết, phải quản lý chặt chẽ, liên tục, VinaCert đã nghiên cứu và nhận thấy trong các tiêu chuẩn quản lý sản xuất thức ăn chăn nuôi, FAMI-QS là tiêu chuẩn hệ thống quản lý đưa ra các yêu cầu riêng biệt của quá trình sản xuất thức ăn chăn nuôi khác với các hệ thống quản lý khác và phù hợp với định hướng phát triển của ngành chăn nuôi Việt Nam. Tiêu chuẩn này cũng được áp dụng khá rộng rãi tại các nước châu Âu, Bắc Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ, Nga,…

Tại Việt Nam cũng đã có một số đơn vị sản xuất thức ăn chăn nuôi áp dụng và đạt chứng nhận FAMI-QS bởi các tổ chức chứng nhận nước ngoài thực hiện, tuy nhiên còn gặp phải nhiều trở ngại về vị trí địa lý, rào cản ngôn ngữ,…

Từ giữa năm 2021, VinaCert đã ký kết thỏa thuận hợp tác với FAMI-QS và đã tổ chức nhiều buổi họp nhằm trao đổi, thảo luận các vấn đề liên quan. Đến nay, VinaCert đã là tổ chức chứng nhận đầu tiên và duy nhất của Việt Nam được FAMI-QS phê duyệt, cấp phép cung cấp dịch vụ chứng nhận Fami-QS.

Với kết quả đó, VinaCert và Fami-QS đã trở thành đối tác chiến lược có sứ mệnh làm cho việc áp dụng và chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn Fami-QS trở nên rộng rãi tại Việt Nam, giúp các doanh nghiệp trong nước phát triển mạnh mẽ hơn nữa, từng bước vươn ra thị trường thế giới.


Tổng thư ký FAMI-QS giới thiệu về tổ chức và tiêu chuẩn Fami-QS.

Bày tỏ ghi nhận những nỗ lực cố gắng của VinaCert để trở thành tổ chức chứng nhận theo tiêu chuẩn Fami-QS đầu tiên tại Việt Nam, ông Emmanouil (Manolis) Geneiatakis Tổng thư ký FAMI-QS cho biết, tiêu chuẩn này được xây dựng nhằm hướng đến tạo dựng niềm tin vào chất lượng và an toàn của các loại nguyên liệu, thành phần nguyên liệu đặc thù trong lĩnh vực thức ăn chăn nuôi, phục vụ cho an toàn thức ăn chăn nuôi. Công việc này được thực hiện bởi mạng lưới thành viên trên toàn cầu.

Theo ông Manolis, FAMI-QS đang là tổ chức dẫn đầu về lĩnh vực chất lượng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi đặc thù. Quá trình thực hiện tiêu chuẩn là sự hợp tác, đối tác giữa các bên nhằm thu thập thông tin và chia sẻ thông tin về tiêu chuẩn.

Từ khi thành lập vào năm 2004, FAMI-QS đã tập trung vào nền tảng chất lượng sản xuất preimix và các phụ gia cho ngành thức ăn chăn nuôi. Chứng chỉ FAMI-QS đầu tiên được cấp cho doanh nghiệp vào năm 2005, và chúng tôi đã nhận ra tầm quan trọng của HACCP trong lĩnh vực thực phẩm, đặc biệt là việc áp dụng vào lĩnh vực sản xuất phụ gia thức ăn chăn nuôi, do đó chúng tôi đã phát triển HACCP cho lĩnh vực này, đề xuất Hội đồng EU xem xét, thông qua các phương pháp thực hành HACCP trong sản xuất nguyên liệu thức ăn chăn nuôi đặc thù.


Chuyên viên kinh doanh Trương Hồ Diễm My dẫn dắt phần thảo luận Q&A

Từ năm 2005 đến nay, FAMI-QS được định hướng phát triển trên nền tảng HACCP và thực hành sản xuất tốt GMP, trong đó tập trung vào lĩnh vực an toàn, chất lượng đối với các thành phần thức ăn chăn nuôi đặc thù.

Hệ thống quản lý FAMI-QS được áp dụng đối với các nguyên liêu sản xuất thức ăn chăn nuôi theo các quá trình: Quá trình hóa học, chế biến sinh học, khai thác khoáng sản, tách chiết, phối trộn hay quá trình công thức của các nhà cung cấp thương mại, đơn vị bán hàng,… các quá trình sản xuất được nhận biết theo các quá trình mà FAMI-QS đã xác lập và ứng dụng trong sản xuất thức ăn chăn nuôi.

Mặt khác, các mối nguy trong sản xuất nguyên liệu, phụ gia thức ăn chăn nuôi đặc thù cũng được nhận diện theo quá trình, lý do vì tại quốc gia này thì được gọi là sản phẩm, nhưng tại quốc gia khác thì coi đó là nguyên liệu và có quy định riêng về tiêu chuẩn chất lượng.

Ví dụ như việc sử dụng Vitamin B2 trong thành phần thức ăn chăn nuôi, một số quốc gia coi đó là thành phần phụ gia, một số nơi sử dụng như một thành phần thuốc để chữa bệnh, do đó tiêu chuẩn chất lượng sẽ được quy định khác. Trong trường hợp này, tiêu chuẩn FAMI-QS tập trung vào việc coi Vitamin B2 là quá trình sản xuất sinh học tổng hợp và được coi là quá trình sinh học. Các đơn vị đạt chứng nhận FAMI-QS đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật của Việt Nam và được mặc định xem như đáp ứng quy định pháp luật của quốc gia nơi bán hàng.

 
Chuyên gia Nguyễn Nam Sơn của VinaCert (bên trái ảnh) và bà Wendy Yep của Fami-QS trả lời các câu hỏi của các tổ chức/ doanh nghiệp tại hội thảo.

Cũng tại hội thảo, cùng với chia sẻ nhiều nội dung quan trọng liên quan đến tiêu chuẩn Fami-QS; Hướng dẫn xây dựng hệ thống quản lý chất lượng của các diễn giả, chuyên gia trưởng Nguyễn Nam Sơn cũng đã chia về cách tiếp cận hệ thống đánh giá chứng nhận Fami-QS của VinaCert; cùng với chuyên gia của Fami-QS là bà Wendy Yep giải đáp thắc mắc của các đại biểu, đại diện các doanh nghiệp liên quan đến phạm vi, quá trình, tiêu chí áp dụng dụng tiêu chuẩn để đạt chứng nhận Fami-QS; các vấn đề liên quan đến kiểm soát mối nguy, truy xuất nguồn gốc,… khi áp dụng Fami-QS.

 VinaCert

Share on Facebook   Share on Twitter Share on Google Share on Buzz
Địa chỉ: Tầng 4, tòa nhà 130 Nguyễn Đức Cảnh, Tương Mai, Hoàng Mai, Tp. Hà Nội
Điện thoại: 0243.634.1933
Fax: 0243.634.1137
Email: sale@vinacert.vn
Giấy phép đăng ký kinh doanh số:
0102152121
Cấp ngày: 18/11/2022 " cấp lần 5"
Tại Sở KH& Đầu tư TP.Hà Nội.
Bản quyền © 2007 - Thuộc về Công ty CP Chứng nhận và Giám định VinaCert
Đang online: 49
Tổng truy cập: 10574673