Chăn nuôi hữu cơ

Chăn nuôi hữu cơ không có nghĩa là chỉ cho vật nuôi ăn thức ăn hữu cơ và tránh bổ sung thức ăn tổng hợp mà còn tập trung vào việc thỏa mãn các nhu cầu khác của vật nuôi trong trang trại nhằm bảo đảm tốt sức khỏe và phúc lợi vật nuôi, hạn chế tối đa những tác động bất lợi đối với vật nuôi như cắt đuôi, bấm nanh, buộc cố định, nuôi nhốt,… Như vậy, chăn nuôi không đáp ứng tiêu chuẩn hữu cơ, không đảm bảo phúc lợi động vật, không đủ diện tích nuôi và không sử dụng nguồn thức ăn hữu cơ sẽ không được phép tồn tại trong canh tác hữu cơ.

Ngày 27/9/2017, Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành bộ tiêu chuẩn TCVN 11041 nhằm thúc đẩy hoạt động sản xuất nông nghiệp hữu cơ nói chung, chăn nuôi hữu cơ nói riêng để tăng chất lượng sản phẩm nông nghiệp, hàng lưu thông trong nước và xuất khẩu.

Ngày 29/8/2018, Chính phủ ban hành Nghị định số 109/2018/NĐ-CP về Nông nghiệp Hữu cơ gồm 7 chương 20 Điều. Đây là 2 văn bản thể hiện rõ việc Nhà nước đặc biệt quan tâm đến Nông nghiệp hữu cơ, trong đó có Chăn nuôi hữu cơ.

NỘI DUNG CƠ BẢN CỦA CHĂN NUÔI HỮU CƠ

Tiêu chuẩn quản lý chăn nuôi hữu cơ

– Vật nuôi được di chuyển, hoạt động tự do, không nuôi nhốt trong lồng cũi.

– Vật nuôi được cung cấp đầy đủ thức ăn (không được phép sử dụng thức ăn tổng hợp), nước uống, không khí và ánh sáng.

– Không làm tổn thương vật nuôi.

– Cần sử dụng các biện pháp ngăn ngừa bệnh để đề phòng bệnh là chính vì nó quan trọng hơn là điều trị bệnh. Khi vật nuôi bị bệnh, sử dụng các loại thuốc thiên nhiên, nếu không có hiệu quả thì các loại thuốc thông thường được phép sử dụng.

– Không sử dụng các loại thuốc kích thích sinh trưởng, hoóc môn, thuốc an thần.

– Tốt nhất mua con giống đã được nuôi theo phương pháp hữu cơ.

– Không nuôi động vật từ công nghệ chuyển phôi và biến đổi gen.

Trong chăn nuôi hữu cơ, cần cố gắng đảm bảo sức khỏe tốt cho vật nuôi để duy trì nguồn sản vật được lâu dài. Để đạt được mục tiêu này cần quan tâm đến những yếu tố:

– Đảm bảo cả về số lượng và chất lượng thức ăn.

– Nước uống phải đủ và sạch.

– Chuồng trại phải đủ diện tích, sạch sẽ, thoáng mát.

– Phân bổ giới tính, độ tuổi hợp lý.

– Có đủ điều kiện đảm bảo sức khỏe cho vật nuôi và thú y khi cần thiết.

Tiêu chuẩn chuồng trại trong chăn nuôi hữu cơ

Chuồng trại trong chăn nuôi hữu cơ cần đảm bảo đúng quy định: lựa chọn kiểu chuồng phù hợp với từng loại vật nuôi để đảm bảo năng suất và hiệu quả kinh tế nhưng phải đảm bảo phúc lợi vật nuôi. Chuồng trại đảm bảo thoáng mát, che mưa, nắng, đảm bảo về diện tích đáp ứng nhu cầu vận động cũng như các biểu hiện tự nhiên của vật nuôi.

Tiêu chuẩn thức ăn trong chăn nuôi hữu cơ

Chăn nuôi hữu cơ chủ yếu dựa vào thức ăn tự sản xuất ngay trong trang trại. Thức ăn có mối liên kết chặt chẽ giữa số lượng và thành phần của chúng với sức khỏe vật nuôi. Chính vì vậy, cần đảm bảo đầy đủ cả về số lượng và chất lượng thức ăn cho vật nuôi theo đúng tiêu chuẩn hữu cơ. Số lượng thức ăn thích hợp và hỗn hợp của các loại thức ăn sẽ tùy thuộc vào đối tượng vật nuôi vào mục đích sử dụng. Cần cung cấp đầy đủ thức ăn hữu cơ cho vật nuôi quanh năm nhằm duy trì khả năng sản suất của vật nuôi. Thức ăn khô có thể được sản xuất ngay tại trang trại như trên đồng cỏ, cỏ hoặc trồng cây xanh làm thức ăn cho vật nuôi mà tuân thủ theo canh tác hữu cơ.

Đối với chăn nuôi hữu cơ, thức ăn khô có thể được sản xuất ngay tại trang trại như trên đồng cỏ, cỏ hoặc trồng cây xanh làm thức ăn cho vật nuôi mà tuân thủ theo canh tác hữu cơ.

Tiêu chuẩn sức khỏe vật nuôi trong chăn nuôi hữu cơ

Các nhân tố ảnh hưởng đến sức khỏe vật nuôi

Mầm bệnh và ký sinh trùng tồn tại ở hầu khắp mọi nơi. Giống như con người, vật nuôi có hệ thống miễn dịch để đối phó với chúng. Tuy nhiên, hệ thống miễn dịch này sẽ bị nhiễu loạn nếu vật nuôi không được chăm sóc tốt. Khỏe mạnh là sự cân bằng giữa áp lực bệnh tật và khả năng miễn dịch của vật nuôi. Người chăn nuôi có thể tác động đến cả hai mặt của sự cân bằng này: giảm số lượng mầm bệnh bằng cách giữ gìn vệ sinh vật nuôi tốt và làm tăng sức đề kháng của vật nuôi với mầm bệnh.

Phòng và trị bệnh trong chăn nuôi hữu cơ

Trong chăn nuôi hữu cơ nhấn mạnh đến công tác phòng ngừa bệnh để giữ vật nuôi khỏe mạnh hơn là điều trị bệnh. Chăn nuôi hữu cơ tập trung vào việc nâng cao điều kiện sống của vật nuôi và làm tăng khả năng miễn dịch của chúng. Muốn vậy, cần phải bắt đầu từ tạo, chọn giống đến chăm sóc nuôi dưỡng phải đạt các tiêu chuẩn tối ưu: đủ không gian, ánh sáng, không khí, chuồng khô ráo, sạch sẽ, vật nuôi được vận động thường xuyên, được vệ sinh phù hợp.

Chăn thả tự nhiên cần được luân phiên trên diện tích bãi chăn đã được chia thành nhiều ô và vật nuôi được ăn từ ô này sang ô khác trong khoảng thời gian nhất định.

Tiếp theo là cần đảm bảo về nuôi dưỡng. Chất lượng và số lượng thức ăn có một tầm quan trọng quyết định đến sức khỏe vật nuôi. Vì vậy, cần có một khẩu phần ăn tự nhiên phù hợp với nhu cầu của vật nuôi. Một khẩu phần ăn cân bằng sẽ giữ được năng suất và sức khỏe của vật nuôi. Đồng thời, phải sử dụng thức ăn hữu cơ cho vật nuôi.

Khi tất cả các biện pháp phòng ngừa này được thực hiện tốt thì vật nuôi hầu như không bị nhiễm bệnh. Vì vậy, điều trị thú y chỉ đóng vai trò thứ yếu trong chăn nuôi hữu cơ. Nếu vật nuôi bị bệnh thì phải xử lý điều trị bệnh bằng các loại thuốc có nguồn gốc thảo dược và các phương pháp truyền thống để chữa trị. Trong trường hợp các loại thuốc có nguồn gốc thảo dược này không có tác dụng hoặc không đầy đủ thì các loại thuốc tổng hợp mới được sử dụng.

Nguyên tắc chính của điều trị bệnh trong chăn nuôi hữu cơ là phải xác định đúng nguyên nhân gây bệnh để tăng cường các cơ chế bảo vệ tự nhiên của vật nuôi. Chăn nuôi hữu cơ cho phép sử dụng các phương tiện tổng hợp để chữa trị nếu các biện pháp tự nhiên và thuốc thảo dược không đủ hiệu quả. Tuy nhiên, các tiêu chuẩn hữu cơ yêu cầu rõ việc ưu tiên được dành cho các biện pháp quản lý nhằm làm tăng khả năng kháng bệnh của vật nuôi. Vì vậy, khi vật nuôi bị bệnh là dấu hiệu vật nuôi đang bị nuôi dưỡng trong các điều kiện chưa phù hợp. Cần xác định rõ nguyên nhân của bệnh dịch để ngăn ngừa sự bùng phát bệnh dịch trong tương lai bằng cách thay đổi các biện pháp quản lý phù hợp. 

Nếu thuốc thú y thông thường được sử dụng, phải tôn trọng triệt để việc lưu giữ vật nuôi trong một thời gian nhất định trước khi tiêu thụ như sản phẩm hữu cơ nhằm đảm bảo sản phẩm chăn nuôi hữu cơ này không có tồn dư kháng sinh. Chất tăng trọng tổng hợp không được sử dụng trong bất kỳ trường hợp nào trong chăn nuôi hữu cơ. 

Trong chăn nuôi hữu cơ, thuốc thảo mộc được sử dụng rộng rãi ở nhiều nước trên thế giới. Nhiều cộng đồng canh tác truyền thống có một lượng kiến thức khổng lồ về các loại cây trồng với những đặc tính chữa bệnh của chúng. Cây trồng hỗ trợ quá trình chữa bệnh mặc dù chúng không loại bỏ mầm bệnh một cách trực tiếp. Tuy vậy, cũng không nên quên việc xác định nguyên nhân gây bệnh đồng thời cần cân nhắc lại biện pháp quản lý của mình.

Tiêu chuẩn giống trong chăn nuôi hữu cơ

Vì các biện pháp ngăn ngừa dịch bệnh để duy trì sức khỏe tốt cho vật nuôi là thích hợp trong canh tác hữu cơ, việc lựa chọn giống phù hợp với điều kiện địa phương và cho ăn thức ăn hữu cơ là vô cùng quan trọng. Điều này đòi hỏi giống phù hợp phải có sẵn. Các giống vật nuôi truyền thống trong trang trại có thể là điểm xuất phát tốt đối với công tác gây giống trong chăn nuôi hữu cơ. Con giống có thể được lựa chọn theo từng cá thể phù hợp đặc biệt với điều kiện canh tác hữu cơ. Con giống cũng có thể được lai tạo giữa giống truyền thống của địa phương có khả năng thích ứng tốt với môi trường với các giống mới năng suất, chất lượng cao nhằm tạo ra con lai mang những đặc điểm mới nổi trội hơn, đáp ứng tốt hơn trong môi trường hữu cơ. Để gây giống, chăn nuôi hữu cơ sử dụng kỹ thuật sinh sản tự nhiên là chính.

Địa chỉ: Tầng 4, tòa nhà 130 Nguyễn Đức Cảnh, Tương Mai, Hoàng Mai, Tp. Hà Nội
Điện thoại: 0243.634.1933
Fax: 0243.634.1137
Email: sale@vinacert.vn
Giấy phép đăng ký kinh doanh số:
0102152121
Cấp ngày: 18/11/2022 " cấp lần 5"
Tại Sở KH& Đầu tư TP.Hà Nội.
Bản quyền © 2007 - Thuộc về Công ty CP Chứng nhận và Giám định VinaCert
Đang online: 53
Tổng truy cập: 11336742