Từ OHSAS 18001 đến ISO 45001 (14/10/2018)

Kể từ đợt ban hành lần đầu vào năm 1999, OHSAS 18001 đã được công nhận là hệ thống quản lý an toàn và sức khoẻ nghề nghiệp (OH & SMS) được sử dụng đánh giá và chứng nhận phổ biến trên toàn thế giới. Kế thừa thành tựu sau 19 năm có hiệu lực, ngày 12/03/2018, tiêu chuẩn “ISO 45001 Hệ thống quản lý An toàn và Sức khỏe nghề nghiệp, các yêu cầu và hướng dẫn sử dụng” đã được ban hành. Tiêu chuẩn này thay thế OHSAS 18001 và cho phép tổ chức chủ động cải thiện hiệu suất OH & S trong việc phòng ngừa thương tích và suy giảm sức khỏe cho người lao động.

Ông Đặng Khánh Hào, thành viên sáng lập Diễn đàn ISO Việt Nam cho biết: theo báo cáo của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), trung bình các năm từ 2011 đến đầu năm 2018, mỗi năm có đến 340 triệu vụ tai nạn lao động; 160 triệu nạn nhân của các bệnh nghề nghiệp; 651,279 số ca tử vong vì chất độc. Riêng năm 2017 có tổng số 11,000 người chết vì tai nạn lao động, trong đó, ngành xây dựng được biết đến là ngành có số vụ tai nạn lao động xảy ra lớn nhất. Cùng với đó là vấn đề đô thị hóa đang khiến 80% dân cư khu vực đô thị phải hít thở không khí ô nhiễm.

“Còn tại Việt Nam, theo thống kê chưa đầy đủ của Cục An toàn lao động – Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, trong năm 2017, cả nước xảy ra 8,956 vụ tai nạn lao động, làm 9,173 người bị thương vong, trong đó có gần 1,000 người chết; số vụ tai nạn lao động có từ 2 người trở lên là 101 vụ, làm chết 928 người; số người bị thương nặng là 1,915; nạn nhân là nữ bị tai nạn lao động là 2,727 người;… Những con số này cho thấy mối nguy về an toàn lao động là rất lớn, việc áp dụng các tiêu chuẩn về hệ thống quản lý như ISO 45001 là rất cần thiết, góp phần giảm thiểu các tai nạn thương tích cho người lao động”, ông Khánh Hào chia sẻ.


Các thành viên Diễn đàn ISO Việt Nam thảo luận về chuyển đổi từ OHSAS 18001 sang tiêu chuẩn ISO 45001: 2018

Về thực trạng áp dụng OHSAS 18001, Kỹ sư Nguyễn Anh Quân (chuyên gia  đánh giá HTQL của Công ty Cổ phần Chứng nhận và Giám định VinaCert) cho biết: Trước đây từng quản lý rất nhiều dự án, tiếp xúc với hàng trăm doanh nghiệp lĩnh vực xây dựng nhưng chưa thấy doanh nghiệp nào áp dụng OHSAS 18001, việc đảm bảo an toàn lao động trên các công trường xây dựng mới chỉ dừng lại ở việc tuyên truyền theo các yêu cầu của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội.

“Bản thân người lao động chưa nhận thức đầy đủ về vấn đề an toàn lao động, ít quan tâm tới các vấn đề có thể gây mất an toàn lao động hay có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của mình, do đó, tai nạn xảy ra chủ yếu với những người lao động thủ công”, bà Nguyễn Thị Hải Yến, thành viên Diễn đàn ISO chia sẻ thêm.

Còn theo ông Phạm Trường Sơn (Vụ KH&CN - Bộ Công Thương), ở các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư tại Việt Nam, việc áp dụng OHSAS 18001 được thực hiện khá tốt nhằm xác định và kiểm soát các rủi ro, kiểm soát các mối nguy về an toàn lao động có thể xảy ra.

Đồng quan điểm này, ông Nguyễn Tất Thắng, Giám đốc Công ty TNHH tư vấn Hiệu quả (ECO) cho rằng, khi đã nhận thức đầy đủ về vấn đề quản lý an toàn và sức khỏe nghề nghiệp, OHSAS 18001 có thể làm thay đổi cả chính sách quản lý cốt lõi của một đơn vị. Ví dụ như tại một doanh nghiệp khách hàng của ECO, sau nhiều năm duy trì khẩu hiệu “Chất lượng là số 1” thì khoảng 7 năm trở lại đây, khẩu hiệu đã thay đổi đến 3 lần và hiện tại là “Không an toàn không làm việc”.

Điều này cho thấy ngoài việc tuân thủ các tiêu chuẩn bắt buộc, việc áp dụng OHSAS 18001 tại các doanh nghiệp còn là sự khẳng định việc thực hiện tự nguyện một hệ thống nhằm đảm bảo một sự giám sát đầy đủ về an toàn và sức khỏe của người lao động trong tổ chức.

Dựa trên các nền tảng, cấu trúc theo HLS (Appendix SL of the ISO/IEC Directives, Part 1); kế thừa kiến thức về quản lý an toàn sức khỏe của ILO; kế thừa các tiêu chuẩn tương tự về tư duy (ISO 14001); kế thừa các “tinh hoa” của tiêu chuẩn OHSAS 18001; tiếp thu các phản hồi tích cực của doanh nghiệp trong quá trình áp dụng các tiêu chuẩn liên quan đến OH & S... đầu tháng 3/2018, tiêu chuẩn ISO 45001 ra đời nhằm hướng đến việc giảm thiểu các tai nạn chấn thương và bệnh nghề nghiệp cho người lao động.

Cũng giống như OHSAS 18001, tiêu chuẩn ISO 45001 có thể áp dụng cho bất kỳ tổ chức nào, bất kể quy mô, loại hình và tính chất hoạt động, cho phép một tổ chức thông qua hệ thống quản lý OH & S để tích hợp các khía cạnh khác về an toàn sức khỏe, chẳng hạn như chăm sóc sức khỏe / phúc lợi công nhân; tuy nhiên cần lưu ý rằng, một tổ chức có thể được yêu cầu bởi các yêu cầu pháp lý hiện hành để giải quyết các vấn đề đó.

Điểm mới của ISO 45001 là cách tiếp cận quản trị rủi ro về quản lý, điều đó thể hiện ở các yêu cầu về nhận diện bối cảnh; nhận diện các quá trình; nhận diện các rủi ro về hệ thống quản lý; nhận diện các cơ hội về hệ thống quản lý; hành động phù hợp với rủi ro/ cơ hội đã được nhận diện. Đây cũng chính là những tinh hoa của OHSAS 18001 được chuyển tiếp sang ISO 45001.

Việc cụ thể hóa những yêu cầu về nhận diện mối nguy, đánh giá rủi ro, biện pháp kiểm soát; xác định và đánh giá sự tuân thủ yêu cầu của pháp luật và các yêu cầu khác; sự tham gia/ tham vấn của các bên hữu quan; điều tra sự cố; thiết lập chính sách, mục tiêu; xác định nhu cầu nguồn lực và quản lý nguồn lực; kiểm soát thông tin dạng văn bản; giám sát/ đo lường/ phân tích/ đánh giá… cho phép việc chuyển đổi từ OHSAS 18001 sang ISO 45001 khá dễ dàng. Điều này cũng cho phép các tổ chức căn chỉnh, tích hợp yêu cầu của các tiêu chuẩn hệ thống quản lý ISO khác trong quá trình quản lý.

Mặc dù ISO 45001 được xây dựng trên cơ sở tiêu chuẩn về an toàn và sức khỏe nghề nghiệp, nhưng đây là một tiêu chuẩn mới và có những điểm khác biệt so với OHSAS 18001. Tiêu chuẩn ISO 45001 không phải là bản sửa đổi hoặc cập nhật mà sẽ thay thế hoàn toàn OHSAS 18001 trong ba năm tới. Do đó, các tổ chức sẽ cần phải thay đổi tư duy và tiến hành các công việc hiện tại để duy trì sự tuân thủ của tổ chức.

Điểm khác nhau của OHSAS 18001 và ISO 45001

Có nhiều điểm khác biệt giữa OHSAS 18001 và ISO 45001, nhưng sự thay đổi chính đó là ISO 45001 tập trung vào sự tương tác giữa tổ chức và môi trường kinh doanh trong khi OHSAS 18001 tập trung vào quản lý các mối nguy về an toàn, sức khỏe nghề nghiệp và các vấn đề nội bộ khác. Hai tiêu chuẩn này cũng được phân biệt theo nhiều cách khác nhau:

ISO 45001

OHSAS 18001

Dựa trên quá trình

Dựa trên quy trình/thủ tục

Tập trung vào tất cả các điều khoản

không

Xem xét cả rủi ro và cơ hội

Chỉ đề cập tới rủi ro

Bao gồm quan điểm của các bên liên quan

không

Những điểm trên cho thấy sự thay đổi đáng kể trong nhận thức về cách thức quản lý sức khoẻ và an toàn lao động. Đây không còn là vấn đề "đơn lẻ" mà phải được xem xét trong quá trình vận hành và sự bền vững của tổ chức. Mặc dù hai tiêu chuẩn khác nhau trong cách tiếp cận, nhưng một hệ thống quản lý được xây dựng theo OHSAS 18001 là một nền tảng thuận tiện để chuyển đổi sang ISO 45001.

Để áp dụng ISO 45001 hay chuyển đổi từ OHSAS 18001 sang ISO 45001 tại doanh nghiệp, ông Nguyễn Đức Nhã (Trợ lý Tổng Giám đốc VinaCert) đã chia sẻ phương pháp luận về cách tiếp cận dựa trên 2 yếu tố chính là  Hệ thống và Tuân thủ. Doanh nghiệp cần hiểu rõ bản chất hệ thống của mình: từ triết lý của hệ thống; các khái niệm và chuẩn mực của hệ thống cũng như mối quan hệ tương giao giữa các phần tử (Quá trình) của hệ thống để nhận diện, đánh giá và kiểm soát nhằm đạt được mục tiêu An toàn Sức khỏe và Nghề nghiệp phù hợp với đặc thù sản xuất, kinh doanh của mình. Bên cạnh đó là sự cần thiết nâng cao ý thức Tuân thủ các yêu cầu, quy định của pháp luật liên quan như Luật:  An toàn, vệ sinh lao động, Phòng cháy chữa cháy, Hóa chất, Môi trường, Lao động, Bảo hiểm, Giao thông, Xây dựng, An toàn điện, An toàn bức xạ, Bảo hộ Lao động, Sức khỏe nghề nghiệp, Y tế...

Khi doanh nghiệp bạn đã điều chỉnh tất cả dữ liệu cho các công cụ của OHSAS 18001, doanh nghiệp có thể sử dụng lại hầu hết những gì đã có trong hệ thống quản lý mới của mình theo ISO 45001. Vì vậy, mặc dù cách tiếp cận là khá khác nhau, nhưng các công cụ cơ bản là như nhau.

Thanh Hải IRC
Share on Facebook   Share on Twitter Share on Google Share on Buzz
Địa chỉ: Tầng 4, tòa nhà 130 Nguyễn Đức Cảnh, Tương Mai, Hoàng Mai, Tp. Hà Nội
Điện thoại: 0243.634.1933
Fax: 0243.634.1137
Email: sale@vinacert.vn
Giấy phép đăng ký kinh doanh số:
0102152121
Cấp ngày: 18/11/2022 " cấp lần 5"
Tại Sở KH& Đầu tư TP.Hà Nội.
Bản quyền © 2007 - Thuộc về Công ty CP Chứng nhận và Giám định VinaCert
Đang online: 37
Tổng truy cập: 10462277