VinaCert vì sự bền vững ngành sản xuất thức ăn thủy sản Việt Nam (10/09/2018)

Những năm gần đây, ngành Thuỷ sản Việt Nam liên tục có những bước tăng trưởng và phát triển quan trọng, đóng góp khoảng 5% GDP cho nền kinh tế quốc dân và chiếm tỷ trọng 19,8% trong cơ cấu GDP nông, lâm, thuỷ sản. Cùng với giá trị kinh tế và định hướng quy hoạch nuôi trồng thủy sản tại Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, nhu cầu thức ăn thủy sản (TĂTS) là rất lớn. Tuy nhiên, điều đó cũng đặt ra bài toán: Làm thế nào để phát triển bền vững ngành sản xuất TĂTS tại Việt Nam?

Để giải quyết vấn đề này, "Hội thảo phát triển bền vững ngành sản xuất thức ăn thuỷ sản tại Việt Nam" do Khoa Thủy sản - Học viện Nông nghiệp Việt Nam tổ chức mới đây tại Hà Nội đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các đại biểu đến từ Trung tâm Khảo nghiệm, Kiểm nghiệm, Kiểm định nuôi trồng thủy sản (Tổng cục Thủy sản); Viện Kinh tế và quy hoạch thủy sản; Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản I; Trung tâm chuyên gia - Học viện Nông nghiệp Việt Nam; Công ty Cổ phần Chứng nhận và Giám định VinaCert; đại diện ngành sản xuất TĂTS thuộc Công ty Cổ phần Tập đoàn DABACO Việt Nam; Tập đoàn Mavin


Quang cảnh hội thảo

Theo ThS. Nguyễn Mạnh Cường (Viện Kinh tế và Quy hoạch thủy sản), nếu như năm 2001, diện tích nuôi trồng thủy sản chỉ đạt 755,3 ngàn ha thì đến năm 2017 đã tăng lên 1.300 ngàn ha, sản lượng tăng từ 709,9 ngàn tấn năm 2001 lên 3,8 triệu tấn năm 2014 và 7,22 triệu tấn vào năm 2017 (trong đó sản lượng nuôi trồng 3,83 triệu tấn và giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 8,317 tỷ USD, bao gồm xuất khẩu tôm đạt 3,94 tỷ USD, cá Tra 1,77 tỷ USD). Xuất khẩu thuỷ sản đứng vào hàng thứ 3 trong số các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam (sau dầu thô và may mặc).

Cũng theo ThS. Cường, đối tượng nuôi ngày càng được mở rộng (loài bản địa: tôm sú, tôm càng xanh, cá tra, ngao/nghêu,... loài nhập nội: cá rô phi, tôm chân trắng, cá nước lạnh,...) và đã hình thành được các đối tượng nuôi chủ lực phục vụ cho xuất khẩu, tiêu dùng trong nước: tôm nước lợ, cá tra, ngao/nghêu, cá rô phi, tôm hùm, tôm càng xanh,...

ThS. Cường cũng viện dẫn các văn bản liên quan đến kế hoạch, quy hoạch phát triển ngành tôm, nuôi và chế biến cá tra vùng Đồng bằng sông Cửu Long,… đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 để từ đó chỉ ra nhu cầu về TĂTS là rất lớn.

Ví dụ: Để đạt kế hoạch sản lượng khoảng 4,5 triệu tấn thủy sản năm 2020 (trong đó các đối tượng chính như cá tra 1,8 triệu tấn; tôm sú, tôm he chân trắng khoảng 0,8 triệu tấn và các loại khác gần 2 triệu tấn) thì nhu cầu thức ăn tương đương là 6,3 đến 6,5 triệu tấn. Trong đó, thức ăn cho cá tra khoảng 3 triệu tấn; thức ăn cho tôm nước lợ khoảng 1 triệu tấn; thức ăn cho các đối tượng khác khoảng 2,3 đến 2,5 triệu tấn.


Các đại biểu tại hội thảo

Thống kê của Bộ NN&PTNT cho thấy, cả nước hiện có 218 cơ sở sản xuất TĂCN công nghiệp (71 doanh nghiệp FDI và 147 doanh nghiệp Việt) với tổng công suất thiết kế hơn 30 triệu tấn, trong đó, công suất thiết kế cho sản xuất TĂTS là 5,8 triệu tấn; nhập khẩu nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi 18,1 triệu tấn, tương đương 5,5 tỷ USD, bao gồm: thức ăn giàu đạm khoảng 7,2 triệu tấn; thức ăn giàu năng lượng khoảng 10,4 triệu tấn; thức ăn bổ sung khoảng 500.000 tấn.

Tính đến hết năm 2017, cả nước có gần 3.100 sản phẩm thức ăn chăn nuôi có xác nhận lưu hành, trong đó bao gồm 1.877 sản phẩm TĂTS (1.634 sản phẩm sản xuất trong nước, 243 sản phẩm nhập khẩu); 1.184 sản phẩm bổ sung môi trường nuôi (trong nước 1.114 sản phẩm, nhập khẩu 70 sản phẩm).

Điều đáng lưu ý là, tuy chỉ có 71 doanh nghiệp FDI nhưng các doanh nghiệp này lại chiếm từ 65 đến 70% thị phần TĂCN tại Việt Nam.

Với tiềm năng lớn và sự phát triển mạnh mẽ của ngành nuôi trồng thủy sản Việt Nam, PGS.TS. Trần Thị Nắng Thu (Khoa Thủy sản – Học viện Nông nghiệp Việt Nam) đề xuất, cần rà soát hoàn thiện các văn bản quản lý về tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy định điều kiện sản xuất kinh doanh, quy chế kiểm tra chứng nhận và quy trình quy phạm để phục vụ công tác quản lý chuyên ngành sản xuất TĂTS, hướng đến phát triển bền vững ngành sản xuất TĂTS của Việt Nam.

Để làm được điều này, các nhà máy sản xuất TĂTS phải nâng cao nhận thức về các tiêu chuẩn quản lý chất lượng, đảm bảo chất lượng nguyên liệu sản xuất và chất lượng sản phẩm, tuân thủ quy định điều kiện sản xuất và vệ sinh môi trường, bảo quản thức ăn tốt để không làm giảm chất lượng của sản phẩm. Đồng thời, tuân thủ các yêu cầu Tiêu chuẩn Marine Stewardship Council (MSC) của Hội đồng quản lý biển và Tiêu chuẩn Nguồn cung có trách nhiệm của Tổ chức Dầu cá, Bột cá thế giới (IFFO RS).

Về các quy phạm pháp luật liên quan đến quản lý chất lượng nguyên liệu, TĂTS, TĂCN của Việt Nam, TS. Hà Thanh Tùng (Trung tâm Khảo nghiệm, Kiểm nghiệm, Kiểm định nuôi trồng thủy sản) viện dẫn và khẳng định: Đối với TĂCN chưa có quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, doanh nghiệp phải công bố tiêu chuẩn áp dụng và có chất lượng phù hợp với tiêu chuẩn công bố áp dụng; với TĂCN đã có quy chuẩn kỹ thuật quốc gia: ngoài đáp ứng các quy định nêu trên, doanh nghiệp phải hoàn thiện công bố hợp quy theo quy định và phải có kết quả khảo nghiệm trên vật nuôi (thức ăn chăn nuôi mới).


Tham luận tại Hội thảo, ông Nguyễn Viết Hải giới thiệu các lĩnh vực hoạt động của VinaCert, trong đó nêu rõ các hoạt động liên quan đến quản lý chất lượng, góp phần đồng hành bền vững cùng ngành sản xuất TĂTS Việt Nam

Để đồng hành cùng sự phát triển bền vững ngành sản xuất TĂTS Việt Nam, ông Nguyễn Viết Hải, Giám đốc Giám định VinaCert cho biết: Là tổ chức cung cấp dịch vụ khoa học công nghệ cho tất cả các bên liên quan, các lĩnh vực hoạt động của Công ty đều hướng đến việc hỗ trợ tổ chức, doanh nghiệp đáp ứng các yêu cầu của pháp luật về quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa.

Lợi thế của VinaCert là năng lực cung cấp dịch vụ chứng nhận, dịch vụ thử nghiệm đã được công nhận và thừa nhận theo tiêu chuẩn quốc tế; cơ quan nhà nước chỉ định thực hiện nhiều lĩnh vực liên quan đến quản lý chất lượng ngành nông nghiệp. Tổng cục Thủy sản cũng đã chứng nhận 03 Phòng thử nghiệm của VinaCert tại Hà Nội; Tp. Hồ Chí Minh và Tp. Cần Thơ đã đăng ký hoạt động thử nghiệm đối với ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn trong lĩnh vực thức ăn thủy sản.

Đây là những ưu thế và là sự khẳng định của VinaCert trong đồng hành và hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất TĂTS chứng minh với cơ quan quản lý và khách hàng rằng: các chỉ tiêu chất lượng nguyên liệu, sản phẩm TĂTS,… đáp ứng được các yêu cầu tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng, góp phần phát triển bền vững ngành sản xuất TĂTS tại Việt Nam.

Thanh Hải IRC
Share on Facebook   Share on Twitter Share on Google Share on Buzz
Địa chỉ: Tầng 4, tòa nhà 130 Nguyễn Đức Cảnh, Tương Mai, Hoàng Mai, Tp. Hà Nội
Điện thoại: 0243.634.1933
Fax: 0243.634.1137
Email: sale@vinacert.vn
Giấy phép đăng ký kinh doanh số:
0102152121
Cấp ngày: 18/11/2022 " cấp lần 5"
Tại Sở KH& Đầu tư TP.Hà Nội.
Bản quyền © 2007 - Thuộc về Công ty CP Chứng nhận và Giám định VinaCert
Đang online: 34
Tổng truy cập: 10462277