Một số quy định mới về xử phạt hành chính lĩnh vực chăn nuôi có hiệu lực từ 20/4/2021 (12/04/2021)

Từ ngày 20/4/2021, Nghị định số 14/2021/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực, các quy định mới về xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực chăn nuôi cũng chính thức được áp dụng.


Đại diện các đơn vị sản xuất, nhập khẩu và kinh doanh thức ăn chăn nuôi khu vực phía Bắc đến thăm quan Phòng thử nghiệm đạt công nhận ISO/IEC 17025: 2017 của Công ty  Cổ phần Chứng nhận và Giám định VinaCert tại Hà Nội. 

Ngày 01/3/2021, Chính phủ ban hành Nghị định số 14/2021/NĐ-CP gồm 4 chương, 48 điều, quy định về hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả, thẩm quyền lập biên bản và thẩm quyền xử phạt đối với hành vi vi phạm hành chính về chăn nuôi.

Các hành vi vi phạm hành chính khác về chăn nuôi không được quy định tại Nghị định này thì áp dụng quy định tại các nghị định khác của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý nhà nước có liên quan để xử phạt.

Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính về chăn nuôi là 01 năm, trừ trường hợp vi phạm hành chính về sản xuất, mua bán, nhập khẩu, xuất khẩu giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi, sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi, sản phẩm chăn nuôi, vật nuôi sống làm thực phẩm thì thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính là 02 năm.

Nghị định 14/2021/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ 20/4/2021 và bãi bỏ các quy định về thức ăn chăn nuôi, giống vật nuôi tại Nghị định số 64/2018/NĐ-CP ngày 07/5/2018 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi, thủy sản.

Quy định đối với cơ sở sản xuất, mua bán, nhập khẩu thức ăn chăn nuôi

Nghị định 14/2021/NĐ-CP quy định các hành vi vi phạm về sản xuất, mua bán thức ăn chăn nuôi, bao gồm: Vi phạm quy định về điều kiện cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi; Vi phạm quy định về công bố thông tin sản phẩm và nghĩa vụ của cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi; Vi phạm quy định về chất lượng trong sản xuất thức ăn chăn nuôi; Vi phạm quy định về điều kiện cơ sở mua bán, nhập khẩu thức ăn chăn nuôi; Vi phạm quy định về chất lượng trong mua bán thức ăn chăn nuôi; Vi phạm quy định về chất lượng trong nhập khẩu thức ăn chăn nuôi; Vi phạm quy định về mua bán, nhập khẩu thức ăn chăn nuôi hết hạn sử dụng, sử dụng nguyên liệu hết hạn sử dụng trong sản xuất thức ăn chăn nuôi.

Theo đó, các hành vi vi phạm quy định về điều kiện cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi (Điều 14) như: Không có dây chuyền, trang thiết bị phù hợp để sản xuất thức ăn chăn nuôi theo quy định; Không có biện pháp kiểm soát động vật gây hại, tạp chất, chất thải gây nhiễm bẩn, ảnh hưởng đến an toàn, chất lượng thức ăn chăn nuôi; Không có trang thiết bị, dụng cụ đo lường được kiểm định, hiệu chỉnh theo quy định; Không thực hiện phân tích chất lượng sản phẩm thức ăn chăn nuôi trong quá trình sản xuất; Không có giải pháp thu gom và xử lý chất thải để tránh nhiễm bẩn cho sản phẩm; Không có biện pháp bảo quản nguyên liệu thức ăn chăn nuôi theo khuyến cáo của tổ chức, cá nhân cung cấp;... bị xử phạt hành chính với mức từ 3 triệu đến 5 triệu đồng.

Cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi chứa kháng sinh không có biện pháp kiểm soát bảo đảm không phát tán, gây nhiễm chéo giữa các loại kháng sinh khác nhau, giữa thức ăn chăn nuôi chứa kháng sinh và thức ăn chăn nuôi không chứa kháng sinh (mục b khoản 2 Điểu 14), có thể bị phạt tiền lên đến 10 triệu đồng.

Đối với hành vi sản xuất mỗi sản phẩm thức ăn chăn nuôi chưa được công bố thông tin sản phẩm trên Cổng thông tin điện tử của Bộ NN&PTNT bị phạt tiền cao nhất đến 15 triệu đồng.

Hành vi tẩy, xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung trong Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất thức ăn chăn nuôi bị phạt tiền từ 15 triệu đồng đến 20 triệu đồng.

Khoản 5, 6, 7 Điều 14 quy định các hành vi: cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi có địa điểm sản xuất nằm trong khu vực bị ô nhiễm bởi chất thải nguy hại, hóa chất độc hại mà không có biện pháp phòng ngừa ngăn chặn nguy cơ ô nhiễm; sản xuất thức ăn chăn nuôi trong thời gian bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền đình chỉ sản xuất; sản xuất thức ăn chăn nuôi không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất thức ăn chăn nuôi với mức phạt tiền tương ứng lần lượt là: 20 triệu đến 25 triệu đồng; 25 triệu đến 30 triệu đồng; 30 triệu đến 35 triệu đồng.

+ Hình thức xử phạt bổ sung: Tịch thu Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất thức ăn chăn nuôi; Đình chỉ hoạt động sản xuất thức ăn chăn nuôi từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi vi phạm quy các quy định: Sản xuất mỗi sản phẩm thức ăn chăn nuôi chưa được công bố thông tin sản phẩm trên Cổng thông tin điện tử của Bộ NN&PTNT; Cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi có địa điểm sản xuất nằm trong khu vực bị ô nhiễm bởi chất thải nguy hại, hóa chất độc hại mà không có biện pháp phòng ngừa ngăn chặn nguy cơ ô nhiễm;…

Vi phạm về công bố thông tin sản phẩm và nghĩa vụ của cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi.

Hành vi thay đổi thông tin trên nhãn sản phẩm đã công bố trên Cổng thông tin điện tử của Bộ NN&PTNT mà không thực hiện công bố thay đổi thông tin theo quy định có thể bị phạt đến 3 triệu đồng;

Với các vi phạm: Không lưu mẫu, không lưu kết quả thử nghiệm thức ăn chăn nuôi theo quy định; Không thực hiện quy trình kiểm soát chất lượng hoặc thực hiện không đầy đủ các nội dung trong quy trình kiểm soát chất lượng; Không ghi và lưu nhật ký sản xuất theo quy định, mức phạt tiền từ 3 triệu đến 5 triệu đồng.

Đối với một trong các hành vi vi phạm như: Cố ý sửa chữa hoặc tẩy xóa làm sai lệch nội dung các loại giấy tờ hoặc khai báo không đúng sự thật trong hồ sơ đề nghị công bố thông tin mỗi sản phẩm thức ăn chăn nuôi trên Cổng thông tin điện tử của Bộ NN&PTNT; Cố ý sửa chữa hoặc tẩy xóa làm sai lệch nội dung các loại giấy tờ hoặc khai báo không đúng sự thật trong hồ sơ tự công bố thông tin mỗi sản phẩm thức ăn chăn nuôi trên Cổng thông tin điện tử của Bộ NN&PTNT, mức phạt tiền từ 5 triệu đến 7 triệu đồng.

Riêng hành vi “Cản trở hoặc không chấp hành yêu cầu đánh giá giám sát duy trì điều kiện sản xuất thức ăn chăn nuôi” (khoản 4 Điều 15), mức phạt tiền cao nhất đến 10 triệu đồng.

Vi phạm quy định về chất lượng trong sản xuất thức ăn chăn nuôi có thể bị phạt đến 25 triệu đồng

Theo đó, đối với các hành vi sản xuất mỗi sản phẩm thức ăn chăn nuôi có hàm lượng định lượng mỗi chỉ tiêu chất lượng, chất chính, chất không phải chất chính thấp hơn mức tối thiểu hoặc cao hơn mức tối đa so với tiêu chuẩn đã công bố áp dụng hoặc ghi trên nhãn hàng hóa, có thể bị phạt tiền từ 3 triệu

đến 20 triệu đồng.

Với vi phạm một trong các quy định: “Có mỗi chỉ tiêu vi sinh vật gây hại vượt ngưỡng tối đa quy định trong quy chuẩn kỹ thuật hoặc tiêu chuẩn đã công bố áp dụng”; “Có hàm lượng định lượng mỗi chỉ tiêu an toàn cao hơn mức tối đa từ 5% trở lên so với quy định trong quy chuẩn kỹ thuật hoặc tiêu chuẩn đã công bố áp dụng” có thể bị phạt cao nhất đến 25 triệu đồng (Khoản 5 Điều 16).

Với các vi phạm về điều kiện cơ sở mua bán, nhập khẩu thức ăn chăn nuôi

Các hành vi vi phạm: Không có thiết bị, dụng cụ để bảo quản thức ăn chăn nuôi theo hướng dẫn của tổ chức, cá nhân sản xuất, cung cấp; Không có biện pháp phòng, chống động vật gây hại; nơi bày bán, kho chứa thức ăn chăn nuôi không tách biệt hoặc bị ô nhiễm bởi thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, hóa chất độc hại khác, mức phạt tiền cao nhất lần lượt là 3 triệu và 5 triệu đồng (khoản 1, 2 Điều 17).

Với các hành vi: Cố ý sửa chữa hoặc tẩy xóa làm sai lệch nội dung các loại giấy tờ hoặc khai báo không đúng sự thật trong hồ sơ đăng ký kiểm tra xác nhận chất lượng, hồ sơ đề nghị công bố thông tin, hồ sư tự công bố thông tin mỗi sản phẩm thức ăn chăn nuôi trên Cổng thông tin một cửa quốc gia, Cổng thông tin điện tử của Bộ NN&PTNT, mức phạt tiền từ 5 triệu đến 7 triệu đồng.

Đây là các hành vi mới được bổ sung tại Điều 17 Nghị định 14/2021/NĐ-CP, chi tiết hơn so với quy định tại khoản 3 Điều 8 Nghị định 64/2018/NĐ-CP.

Riêng hành vi “Không có hoặc không thuê kho bảo quản thức ăn chăn nuôi đáp ứng các yêu cầu bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật và khuyến cáo của tổ chức, cá nhân cung cấp”, hiện đang có mức phạt tiền từ 5 triệu đến 10 triệu đồng.

Với các vi phạm quy định về chất lượng trong mua bán thức ăn chăn nuôi

Từ khoản 1 đến khoản 5 Điều 18 của Nghị đình này quy định hành vi và mức xử phạt tiền đối với việc mua bán mỗi sản phẩm thức ăn chăn nuôi có hàm lượng định lượng mỗi chỉ tiêu chất lượng thấp hơn mức tối thiểu hoặc cao hơn mức tối đa so với tiêu chuẩn đã công bố hoặc ghi trên nhãn hàng hóa, hoặc mỗi chỉ tiêu an toàn vượt quá so với quy định trong quy chuẩn kỹ thuật hoặc tiêu chuẩn đã công bố.

Theo đó, các vi phạm về chất lượng như: hàm lượng định lượng mỗi chỉ tiêu chất lượng không phải chất chính thấp hơn mức tối thiểu hoặc cao hơn mức tối đa từ 5% đến dưới 15% hoặc từ 15% đến dưới 30% hoặc từ 30% trở lên; Hàm lượng định lượng mỗi chất chính thấp hơn mức tối thiểu hoặc cao hơn mức tối đa từ 5% đến dưới 15% hoặc từ 15% đến dưới 30% so với tiêu chuẩn đã công bố áp dụng hoặc ghi trên nhãn hàng hóa, có thể bị phạt thấp nhất là 1 triệu, và cao nhất lên đến 15 triệu đồng.

Riêng với một trong các hành vi vi phạm quy định về mua bán mỗi sản phẩm thức ăn chăn nuôi như: Có mỗi chỉ tiêu vi sinh vật gây hại vượt ngưỡng cho phép quy định trong quy chuẩn kỹ thuật hoặc tiêu chuẩn đã công bố áp dụng; Có hàm lượng định lượng mỗi chỉ tiêu an toàn cao hơn mức tối đa từ 5% trở lên so với quy định trong quy chuẩn kỹ thuật quốc gia hoặc tiêu chuẩn đã công bố áp dụng, mức phạt tiền từ 15 triệu đến 20 triệu đồng (Khoản 6 Điều 18).

Vi phạm quy định về chất lượng trong nhập khẩu thức ăn chăn nuôi có 5 mức phạt, mức phạt tiền cao nhất (từ 20 đến 25 triệu đồng) là hành vi “nhập khẩu mỗi sản phẩm thức ăn chăn nuôi có hàm lượng định lượng mỗi chỉ tiêu an toàn cao hơn mức tối đa từ 30% trở lên so với quy định trong quy chuẩn kỹ thuật hoặc trong tiêu chuẩn đã công bố áp dụng” (khoản 5 Điều 19).

Với một trong các hành vi vi phạm như: Có mỗi chỉ tiêu vi sinh vật gây hại vượt ngưỡng cho phép, có hàm lượng định lượng mỗi chỉ tiêu an toàn cao hơn mức tối đa từ 5% đến dưới 30% so với quy định trong quy chuẩn kỹ thuật hoặc trong tiêu chuẩn đã công bố áp dụng; Có hàm lượng định lượng mỗi chỉ tiêu chất chính thấp hơn mức tối thiểu hoặc cao hơn mức tối đa từ 15% đến dưới 30% hoặc có hàm lượng định lượng mỗi chỉ tiêu chất lượng không phải là chất chính thấp hơn mức tối thiểu hoặc cao hơn mức tối đa 30% trở lên so với tiêu chuẩn đã công bố áp dụng hoặc ghi trên nhãn hàng hóa, mức phạt tiền cao nhất đến 20 triệu đồng.

Các hành vi khác như: Nhập khẩu mỗi sản phẩm thức ăn chăn nuôi có hàm lượng định lượng mỗi chỉ tiêu chất lượng thấp hơn mức tối thiểu hoặc cao hơn mức tối đa từ 2% đến dưới 5% so với tiêu chuẩn đã công bố áp dụng hoặc ghi trên nhãn hàng hóa hoặc mỗi chỉ tiêu an toàn vượt quá từ 2% đến dưới 5% so với quy định trong quy chuẩn kỹ thuật hoặc trong tiêu chuẩn đã công bố áp dụng, mức phạt tiền cao nhất đến 5 triệu đồng.

Đối với hành vi nhập khẩu mỗi sản phẩm thức ăn chăn nuôi có hàm lượng định lượng mỗi chỉ tiêu chất lượng không phải là chất chính thấp hơn mức tối thiểu hoặc cao hơn mức tối đa từ 5% đến dưới 15% so với tiêu chuẩn đã công bố áp dụng hoặc ghi trên nhãn hàng hóa, mức phạt tiền cao nhất đến 10 triệu đồng.

Với một trong các hành vi vi phạm như: “Có hàm lượng định lượng mỗi chỉ tiêu chất lượng không phải là chất chính thấp hơn mức tối thiểu hoặc cao hơn mức tối đa từ 15% đến dưới 30% so với tiêu chuẩn đã công bố áp dụng hoặc ghi trên nhãn hàng hóa”; “Có hàm lượng định lượng mỗi chỉ tiêu chất chính thấp hơn mức tối thiểu hoặc cao hơn mức tối đa từ 5% đến dưới 15% so với tiêu chuẩn đã công bố áp dụng hoặc ghi trên nhãn hàng hóa”, mức phạt tiền cao nhất đến 15 triệu đồng (khoản 3 Điều 19).

Với vi phạm quy định về mua bán, nhập khẩu thức ăn chăn nuôi hết hạn sử dụng, sử dụng nguyên liệu hết hạn sử dụng trong sản xuất thức ăn chăn nuôi có thể bị phạt lên đến 40 triệu đồng.

Theo khoản 1 Điều 20, hành vi mua bán, nhập khẩu mỗi sản phẩm thức ăn chăn nuôi hết hạn sử dụng ghi trên nhãn hoặc tài liệu kèm theo sản phẩm thức ăn chăn nuôi, tùy theo giá trị của hàng hóa vi phạm, mức phạt tiền thấp nhất từ 200 nghìn đến 400 nghìn đồng (trong trường hợp giá trị hàng hóa vi phạm dưới 1 triệu đồng) và từ 30 triệu đến 40 triệu đồng (trong trường hợp giá trị hàng hóa vi phạm từ 100 triệu đồng trở lên).

Khoản 2 và 3 Điều 20 quy định: Không ghi hoặc ghi không đúng ngày sản xuất trên nhãn hoặc tài liệu kèm theo sản phẩm thức ăn chăn nuôi trong sản xuất, nhập khẩu mỗi sản phẩm thức ăn chăn nuôi; Sản xuất thức ăn chăn nuôi có sử dụng mỗi loại nguyên liệu hoặc mỗi sản phẩm thức ăn chăn nuôi đã hết hạn sử dụng, có thể bị phạt mức cao nhất lần lượt là 10 triệu và 15 triệu đồng.

Mức phạt tiền quy định tại Nghị định này áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính do cá nhân thực hiện. Đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm, mức phạt tiền gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

Vi phạm quy định về sản xuất, mua bán, nhập khẩu thức ăn chăn nuôi có chứa kháng sinh, vi phạm sử dụng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Khoản 4 Điều 22 quy định mức phạt tiền từ 20 triệu đến 25 triệu đồng đối với hành vi sản xuất, mua bán, nhập khẩu mỗi sản phẩm thức ăn chăn nuôi có chứa kháng sinh không phải là thuốc thú y được phép lưu hành tại Việt Nam hoặc chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép có giá trị dưới 200 triệu đồng hoặc thu lợi bất chính dưới 100 triệu đồng.

Đặc biệt, với hành vi sản xuất, mua bán, nhập khẩu mỗi sản phẩm thức ăn chăn nuôi có chứa kháng sinh không phải là thuốc thú y được phép lưu hành tại Việt Nam hoặc chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép có giá trị từ 200 triệu đồng trở lên hoặc thu lợi bất chính từ 100 triệu đồng trở lên trong trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng có quyết định không khởi tố vụ án hình sự, quyết định hủy bỏ quyết định khởi tố vụ án hình sự, quyết định đình chỉ điều tra hoặc quyết định đình chỉ vụ án, mức xử phạt hành chính bằng tiền từ 25 triệu đến 30 triệu đồng (quy định tại khoản 5 Điều 22).

Với các vi phạm quy định về sử dụng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi

Hành vi sử dụng mỗi loại nguyên liệu không có trong Danh mục nguyên liệu được phép sử dụng làm thức ăn chăn nuôi để sản xuất thức ăn chăn nuôi có giá trị dưới 200 triệu đồng hoặc thu lợi bất chính dưới 100 triệu đồng, mức phạt tiền cao nhất đến 15 triệu đồng (khoản 1 Điều 23);

Với hành vi sử dụng mỗi loại nguyên liệu không có trong Danh mục nguyên liệu được phép sử dụng làm thức ăn chăn nuôi để sản xuất thức ăn chăn nuôi có giá trị từ 200 triệu đồng trở lên hoặc thu lợi bất chính từ 100 triệu đồng trở lên khi cơ quan tiến hành tố tụng có quyết định không khởi tố vụ án hình sự, quyết định hủy bỏ quyết định khởi tố vụ án hình sự, quyết định đình chỉ điều tra hoặc quyết định đình chỉ vụ án. Mức phạt tiền cao nhất đến 20 triệu đồng (khoản 2 Điều 23).

Vi phạm quy định về sử dụng chất cấm, thức ăn chăn nuôi chứa kháng sinh trong chăn nuôi đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự nhưng cơ quan tiến hành tố tụng có quyết định không khởi tố vụ án hình sự, quyết định hủy bỏ quyết định khởi tố vụ án hình sự, quyết định đình chỉ điều tra hoặc quyết định đình chỉ vụ án (điểm b khoản 4 Điều 28)thể bị phạt tiền từ 70 triệu đến 80 triệu đồng.

Bên cạnh đó, hành vi sử dụng thức ăn chăn nuôi chứa kháng sinh nhằm mục đích kích thích sinh trưởng cũng có thể bị phạt tiền từ 1 triệu đến 3 triệu đồng đối với chăn nuôi nông hộ (điểm a khoản 3 Điều 28).

Một số chất bị sử dụng trong chăn nuôi: Chất tăng trọng hay chất tạo nạc thuộc họ β- agonist (Salbutamol, Clenbuterol, Ractopamine,…), thuốc thú y: Chloramphenicol, Furazolido, Dipterex,… khi sử dụng sẽ gây tổn hại về sức khỏe cho gia súc, gia cầm hoặc gây tổn hạn về sức khỏe của người tiêu dùng, vì trong các sản phẩm gia súc, gia cầm có tồn dư các chất cấm độc hại này.

Vi phạm quy định về hoạt động chăn nuôi, đối xử nhân đạo với vật nuôi, kiểm soát giết mổ động vật trên cạn có thể bị phạt tới 50 triệu đồng

Theo khoản 4 Điều 29, hành vi đưa vật thể lạ, bơm nước cưỡng bức hoặc các chất khác vào cơ thể động vật trên cạn trước khi giết mổ bị phạt tiền từ 5 triệu đến 50 triệu đồng, tùy theo tổng khối lượng động vật vi phạm.

Lưu ý: Các mức phạt tiền nêu trên áp dụng đối với cá nhân. Với tổ chức, các hành vi vi phạm tương tự, mức phạt tăng gấp hai lần.

Phạt đến 10 triệu đồng đối với vi phạm quy định về xử lý chất thải chăn nuôi trang trại

Khoản 1,2,3 Điều 30 Nghị định 14/2021/NĐ-CP, quy định 03 mức xử phạt hành chính đối với (1) Hành vi vi phạm quy định về xử lý chất thải rắn có nguồn gốc hữu cơ không đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia; (2) Xử lý nước thải chăn nuôi không đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải chăn nuôi cho cây trồng; (3) Xử lý khí thải từ hoạt động chăn nuôi không đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải chăn nuôi.

Theo đó, cơ sở vi phạm (trang trại quy mô nhỏ, vừa và lớn) buộc phải thực hiện biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường và báo cáo kết quả khắc phục trong thời hạn do người có thẩm quyền xử phạt ấn định trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm.

Lưu ý: Các mức phạt tiền nêu tại Nghị định 14/2021/NĐ-CP áp dụng đối với cá nhân. Với tổ chức, các hành vi vi phạm tương tự, mức phạt tăng gấp hai lần.

Quy định về công bố hợp quy đối với thức ăn chăn nuôi

Từ 01/7/2020, Thông tư số 04/2020/TT-BNNPTNT ngày 09/3/2020 của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT về Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu sản xuất thức ăn thủy sản (QCVN 01 - 190: 2020/BNNPTNT) chính thức có hiệu lực.

Theo đó, tổ chức, cá nhân có hoạt động liên quan đến kinh doanh thức ăn chăn nuôi, nguyên liệu sản xuất thức ăn thủy sản trên lãnh thổ Việt Nam phải công bố hợp quy đối với thức ăn chăn nuôi thương mại, nguyên liệu sản xuất thức ăn thủy sản trước khi lưu thông trên thị trường. Riêng hộ kinh doanh (sản xuất, mua bán, sơ chế) thức ăn truyền thống thương mại, nguyên liệu sản xuất thức ăn thủy sản, không phải công bố hợp quy.

Tổ chức, cá nhân công bố hợp quy được lựa chọn 01 trong 03 hình thức sau: Kết quả tự đánh giá sự phù hợp của tổ chức, cá nhân. Kết quả chứng nhận của tổ chức chứng nhận đã đăng ký lĩnh vực hoạt động hoặc thừa nhận theo quy định của pháp luật. Kết quả chứng nhận của tổ chức chứng nhận được chỉ định theo quy định của pháp luật.

Đối với thức ăn bổ sung: Tổ chức, cá nhân công bố hợp quy dựa trên kết quả chứng nhận của tổ chức chứng nhận hợp quy được chỉ định theo quy định của pháp luật.

Về phương thức đánh giá, trình tự thủ tục công bố hợp quy

Phương thức đánh giá hợp quy được thực hiện theo phương thức 5 hoặc phương thức 7 của Thông tư 28/2012/TT-BKHCN ngày 12/12/2012 của Bộ Khoa học Công nghệ quy định về công bố hợp chuẩn, công bố hợp quy và phương thức đánh giá sự phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật (Thông tư số 28/2012/TT-BKHCN) và Thông tư số 02/2017/TT-BKHCN ngày 31/3/2017 của Bộ Khoa học và Công nghệ về sửa đổi bổ sung một số điều của Thông tư số 28/2012/TT-BKHCN (Thông tư số 02/2017/TT-BKHCN).

Trường hợp cơ sở sản xuất đã được cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất thức ăn chăn nuôi hoặc Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất thức ăn thủy sản còn hiệu lực thì không phải đánh giá quá trình sản xuất.

Mỗi sản phẩm công bố hợp quy phải được lấy mẫu thử nghiệm để đánh giá sự phù hợp đối với tất cả các chỉ tiêu quy định tại Quy chuẩn này. Mỗi sản phẩm sản xuất trong nước đã công bố hợp quy theo phương thức 5 phải được lấy mẫu để đánh giá giám sát với tần suất không quá 12 tháng/1 lần và thử nghiệm tất cả các chỉ tiêu quy định tại Quy chuẩn kỹ thuật này với tần suất ít nhất 03 năm/lần/chỉ tiêu.

Việc lấy mẫu thử nghiệm để đánh giá sự phù hợp thực hiện theo quy định của Bộ NN&PTNT hoặc Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia hoặc Tiêu chuẩn quốc gia về lấy mẫu thức ăn chăn nuôi, thủy sản.

Về trình tự, thủ tục công bố hợp quy đối với sản phẩm sản xuất trong nước, được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 28/2012/TT-BKHCN và Thông tư số 02/2017/TT-BKHCN.

Cơ quan tiếp nhận hồ sơ công bố hợp quy là cơ quan quản lý chuyên ngành tại địa phương nơi tổ chức, cá nhân sản xuất hoặc đăng ký kinh doanh, bao gồm: Sở NN&PTNT tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoặc cơ quan quản lý chuyên ngành thức ăn chăn nuôi hoặc cơ quan quản lý chuyên ngành thức ăn thủy sản được Sở NN&PTNT giao nhiệm vụ.

Về công bố hợp quy đối với sản phẩm đồng thời là thức ăn truyền thống và nguyên liệu sản xuất thức ăn thủy sản: Tổ chức, cá nhân chỉ cần thực hiện 01 thủ tục công bố hợp quy theo nguyên tắc: Đánh giá sự phù hợp tất cả các chỉ tiêu an toàn của sản phẩm quy định tại Quy chuẩn kỹ thuật này; Trường hợp lựa chọn hình thức công bố hợp quy dựa trên kết quả chứng nhận của tổ chức chứng nhận: Tổ chức, cá nhân lựa chọn tổ chức chứng nhận hợp quy thức ăn chăn nuôi hoặc tổ chức chứng nhận hợp quy thức ăn thủy sản để đánh giá sản phẩm. Tổ chức chứng nhận cấp Giấy chứng nhận trong đó có nội dung “sản phẩm phù hợp yêu cầu kỹ thuật của thức ăn truyền thống và nguyên liệu sản xuất thức ăn thủy sản”; Lựa chọn 01 cơ quan quản lý chuyên ngành theo quy định tại Thông tư số 28/2012/TT-BKHCN và Thông tư số 02/2017/TT-BKHCN để nộp hồ sơ công bố hợp quy. Cơ quan tiếp nhận ban hành Thông báo tiếp nhận hồ sơ công bố hợp quy trong đó có nội dung “sản phẩm phù hợp yêu cầu kỹ thuật của thức ăn truyền thống và nguyên liệu sản xuất thức ăn thủy sản”.

Đối với sản phẩm thức ăn chăn nuôi, nguyên liệu sản xuất thức ăn thủy sản nhập khẩu, trình tự, thủ tục công bố hợp quy được thực hiện theo quy định pháp luật về chất lượng sản phẩm hàng hóa; pháp luật về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; pháp luật về quản lý thức ăn chăn nuôi và thức ăn thủy sản. Kết quả đánh giá sự phù hợp những chỉ tiêu an toàn quy định giống nhau giữa thức ăn truyền thống và nguyên liệu sản xuất thức ăn thủy sản quy định tại QCVN 01 - 190: 2020/BNNPTNT được thừa nhận lẫn nhau trong hoạt động kiểm tra chất lượng thức ăn truyền thống, nguyên liệu sản xuất thức ăn thủy sản nhập khẩu.

VinaCert

Share on Facebook   Share on Twitter Share on Google Share on Buzz
Địa chỉ: Tầng 4, tòa nhà 130 Nguyễn Đức Cảnh, Tương Mai, Hoàng Mai, Tp. Hà Nội
Điện thoại: 0243.634.1933
Fax: 0243.634.1137
Email: sale@vinacert.vn
Giấy phép đăng ký kinh doanh số:
0102152121
Cấp ngày: 18/11/2022 " cấp lần 5"
Tại Sở KH& Đầu tư TP.Hà Nội.
Bản quyền © 2007 - Thuộc về Công ty CP Chứng nhận và Giám định VinaCert
Đang online: 58
Tổng truy cập: 10583821