VinaCert đánh giá VietGAP bưởi đỏ ở Hòa Bình và bưởi Diễn ở Thanh Hóa (25/11/2017)

Phát triển các loại cây ăn quả đặc sản có giá trị kinh tế cao, sản phẩm đảm bảo các yêu cầu về an toàn thực phẩm, đầu ra và năng suất ổn định đang là trăn trở của nhiều nông dân, doanh nghiệp và các hợp tác xã nông nghiệp. Để giải bài toán này, việc chủ động tìm hiểu và áp dụng Quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP) cho rau, quả tươi an toàn đã được nhiều hợp tác xã, doanh nghiệp cũng như các trang trại thực hiện, được các chuyên gia của VinaCert đánh giá phù hợp quy trình VietGAP.

Từ Hợp tác xã trồng Bưởi đỏ tại Hòa Bình…

Huyện Tân Lạc có điều kiện tự nhiên thuận lợi cho phát triển cây ăn quả nhiệt đới: Quýt ngọt, nhãn, vải thiều và gần đây là bưởi đỏ, bưởi da xanh. Phát triển cây ăn quả đặc sản vừa đáp ứng nhu cầu của người dân vừa đảm bảo môi trường xanh, tăng thu nhập, làm giảm khoảng cách giàu nghèo giữa đô thị và nông thôn.

Nông dân Tân Lạc đã có kinh nghiệm trồng và chăm sóc cây ăn quả nên nhiều hộ đã có thu nhập hàng trăm triệu đồng/ha/năm từ việc trồng bưởi. Sản phẩm bưởi Tân Lạc đã có mặt tại các thị trường Hoà Bình, Hà Nội và nhiều địa phương lân cận.

Tuy nhiên, do quy mô canh tác quả tươi ở Tân Lạc còn manh mún, nhỏ lẻ, phân tán, nên khả năng đầu tư thâm canh thấp; việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, quản lý và sản xuất cây giống còn nhiều bất cập; năng suất bưởi chưa cao, chất lượng chưa đồng đều, sản phẩm chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường.


Cây bưởi đỏ canh tác theo VietGAP (tại Khu 3, Thị trấn Mường Khến, huyện Tân Lạc) sinh trưởng và phát triển tốt

Nhằm phát triển sản xuất theo hướng hàng hoá, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Tân Lạc (khoá XXII) đã ban hành Nghị quyết số 10-NQ/HU ngày 10/7/2013 về phát triển sản xuất bưởi đỏ, bưởi da xanh trên địa bàn huyện. Nghị quyết đã nhanh chóng đi vào cuộc sống và đạt nhiều kết quả tích cực.

Cùng với các cơ chế, chính sách hỗ trợ, định hướng cho người dân đầu tư thâm canh: lựa chọn đất trồng bưởi, nguồn nước tưới, xây dựng hạ tầng phục vụ sản xuất theo hướng thâm canh cao, huyện Tân Lạc còn khuyến khích bà con thực hiện trồng bưởi theo quy mô trang trại và áp dụng sản xuất theo quy trình VietGAP. Nhờ đó, chất lượng giống bưởi đã ngày càng được nâng cao, mở ra cơ hội làm giàu cho nông dân huyện Tân Lạc.

Qua đánh giá thực tế và truy xuất hệ thống tài liệu, hồ sơ của Hợp tác xã sản xuất chế biến và tiêu thụ bưởi đỏ Tân Lạc, Hòa Bình (địa chỉ tại Khu 3, Thị trấn Mường Khến, huyện Tân Lạc) vào đầu tháng 11/2017, Chuyên gia Nguyễn Thị Phương Mai của VinaCert cho biết, gần 21 ha trồng bưởi đỏ của HTX tại xóm 3, xã Tử Nê, huyện Tân Lạc đã áp dụng theo quy trình VietGAP, có hệ thống tài liệu hồ sơ cơ bản đáp ứng các yêu cầu của quy trình VietGAP.


Ông Phạm Khắc Thường bên cây bưởi đỏ được canh tác theo quy trình VietGAP

Việc quản lý quá trình canh tác bưởi đỏ theo VietGAP cũng đã được ông Phạm Khắc Thường, Giám đốc HTX quán triệt đầy đủ đến các thành viên. Nhờ đó, việc áp dụng công nghệ và phương thức trồng trọt theo hướng tăng cường sử dụng phân hữu cơ hoai mục, phân vi sinh nhằm giảm thiểu các loại phân hóa học đã được HTX áp dụng hiệu quả. Cây bưởi sinh trưởng và phát triển tốt cho sản lượng đạt 700 tấn quả tươi/năm.

Ngoài ra, ông Thường còn tích cực khuyến khích xã viên áp dụng công nghệ tưới nước phun sương, tưới tự động để tiết kiệm chi phí điện, nước, nhân công và thời gian lao động.


Mô hình trồng bưởi đỏ theo VietGAP của Hợp tác xã sản xuất chế biến và tiêu thụ bưởi đỏ Tân Lạc, Hòa Bình

Với việc hoàn thiện hệ thống tài liệu theo yêu cầu của quy trình VietGAP: Sổ tay hướng dẫn sản xuất bưởi an toàn theo VietGAP; sổ tay quy trình trồng bưởi an toàn; quy trình hướng dẫn sử dụng phân bón an toàn; quy trình sử dụng hóa chất và TBVTV an toàn; quy trình điều tra nguyên nhân và biện pháp ngăn chặn, giảm thiểu ô nhiễm vượt mức tối đa cho phép; phương án sản xuất kinh doanh chế biến và tiêu thụ bưởi đỏ,… HTX đã sản xuất ra sản phẩm có chất lượng, được khách hàng ưa chuộng và đánh giá cao.

…đến Trang trại bưởi Diễn tại Thanh Hóa

Không chỉ có người dân ở các huyện Thọ Xuân, Nga Sơn… trồng được bưởi Diễn. Trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa cũng đã có mô hình thực hiện khá thành công việc trồng bưởi Diễn, đó là trang trại của anh Nguyễn Xuân Khải, địa chỉ tại thôn 11, xã Yên Thọ, huyện Yên Định.

Cây bưởi Diễn đã được trồng trên đất Yên Định cách đây gần 20 năm nay nhờ 1 kỹ sư làm việc ở Hà Nội mang về. Sự thích ứng của giống bưởi Diễn tại Yên Định đã cho năng suất, chất lượng không kém bưởi trồng trên đất Cầu Diễn, Hà Nội.


Chuyên gia Nguyễn Thị Phương Mai tại khu vực trồng bưởi Diễn của trang trại Nguyễn Xuân Khải

Nắm bắt được giá trị kinh tế của cây bưởi Diễn, từ hơn chục năm trước, anh Khải đã tiếp cận và trồng thử mấy chục gốc, sau vài năm thấy cây bưởi Diễn phát triển tốt, phù hợp với đất đai thổ nhưỡng nên anh đã từng bước học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật trồng và nhân rộng diện tích lên đến 10ha. Vườn bưởi 9 – 10 năm tuổi khi thu hoạch đạt sản lượng 200 tấn/năm.

Nhận thấy việc áp dụng và được chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn VietGAP góp phần tạo ra sản phẩm có chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm và là cơ hội để tiếp cận được nhiều thị trường, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng một cách bền vững, anh Khải đã bắt đầu áp dụng Quy trình trồng bưởi Diễn theo tiêu chuẩn VietGAP tại trang trại của mình.

Anh Khải cho biết, tuy trồng bưởi theo quy trình VietGAP vất vả hơn so với trước, nhưng bù lại chất lượng quả bưởi ngon hơn hẳn. Bưởi mọng nước mà tép không bị nát, có vị ngọt tự nhiên nên dù giá bán cao hơn vẫn được người tiêu dùng ưa chuộng.

Hiện tại, trang trại của anh Khải đang hoàn thiện quy trình sơ chế sau thu hoạch và xúc tiến việc xây dựng nhãn mác cho sản phẩm bưởi Diễn. Sản phẩm đảm bảo chất lượng, đáp ứng được các yêu cầu của thị trường đã góp phần giải quyết việc làm và tạo thu nhập ổn định cho 8 lao động.


Anh Nguyễn Xuân Khải (bên trái) giới thiệu với chuyên gia Nguyễn Thị Phương Mai về quy trình VietGAP đang áp dụng tại trang trại trồng bưởi Diễn

Để chứng minh sản phẩm đảm bảo chất lượng và quá trình canh tác phù hợp quy trình VietGAP, anh Khải đã đăng ký sử dụng dịch vụ chứng nhận VietGAP của VinaCert. Kết quả đánh giá do chuyên gia Nguyễn Thị Phương Mai và chuyên gia tập sự Hoàng Hải Hiếu cho thấy, hệ thống tài liệu hồ sơ do anh Khải soạn thảo, ban hành và áp dụng tại trang trại từ đầu năm 2017 đến nay đã cơ bản đáp ứng các yêu cầu của Quy trình VietGAP.

Tuy nhiên, anh Khải cần sớm khắc phục một số điểm không phù hợp mà Đoàn đánh giá đã phát hiện. Đây là căn cứ để các chuyên gia kiến nghị VinaCert chấp nhận cơ sở phù hợp với Quy trình thực hành trồng trọt tốt VietGAP.

Có thể thấy rằng, từ việc nắm bắt được giá trị kinh tế của các giống cây đặc sản đến việc tuân thủ nghiêm các quy trình theo VietGAP, Hợp tác xã sản xuất chế biến và tiêu thụ bưởi đỏ Tân Lạc, Hòa Bình cũng như các trang trại trồng bưởi Diễn như của anh Nguyễn Xuân Khải ở Thanh Hóa đã và đang khẳng định ưu thế vượt trội của mình trong việc tuân thủ các quy định của pháp luật về ATTP, từng bước chiếm lĩnh và mở rộng thị trường nhờ việc đáp ứng các yêu cầu của chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn.

Đây cũng là những giá trị mà VinaCert đang nỗ lực cùng với khách hàng, bà con nông dân trên cả nước thực hiện nhằm tạo ra những chuỗi cung ứng thực phẩm đảm bảo an toàn chất lượng cả ở thị trường trong và ngoài nước. Trong chuỗi giá trị này, VinaCert đóng vai trò là tổ chức cung cấp dịch vụ khoa học công nghệ tin cậy cho tất cả các bên liên quan.

Thanh Hải IRC
Share on Facebook   Share on Twitter Share on Google Share on Buzz
Địa chỉ: Tầng 4, tòa nhà 130 Nguyễn Đức Cảnh, Tương Mai, Hoàng Mai, Tp. Hà Nội
Điện thoại: 0243.634.1933
Fax: 0243.634.1137
Email: sale@vinacert.vn
Giấy phép đăng ký kinh doanh số:
0102152121
Cấp ngày: 18/11/2022 " cấp lần 5"
Tại Sở KH& Đầu tư TP.Hà Nội.
Bản quyền © 2007 - Thuộc về Công ty CP Chứng nhận và Giám định VinaCert
Đang online: 57
Tổng truy cập: 10578992