Chú trọng công nghệ chế biến để tăng giá trị giá tăng cho cá tra (10/04/2015)

Sáng ngày 08/04/2015 tại thành phố Cần Thơ, Hiệp hội Cá tra Việt Nam tổ chức Hội thảo “Thực phẩm công nghiệp, sự cần thiết của công nghệ chế biến cho ngành thủy sản Việt Nam”. Đây cũng là dịp để Hiệp hội Cá tra Việt Nam họp mặt các hội viên lần đầu tiên sau hơn 2 năm thành lập. VinaCert vinh dự là một trong 60 hội viên của Hiệp hội.

Tham dự Hội thảo có ông Đào Anh Dũng - Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, ông Nguyễn Việt Thắng- Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam, ông Võ Hùng Dũng - Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng toàn thể lãnh đạo Sở, các cơ quan ban ngành và đông đảo hội viên của Hiệp hội Cá tra Việt Nam. Tham dự Hội thảo với cương vị là hội viên chính thức của Hiệp hội, đại diện Công ty Cổ phần Chứng nhận và Giám định VinaCert có bà Nguyễn Thị Huệ - Trưởng Văn phòng VinaCert Cần Thơ.


Ông Nguyễn Việt Thắng phát biểu tại Hội thảo

Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Việt Thắng cho biết về thực tế ngành hàng sản xuất cá tra tại Việt Nam. Hiện nay, sản phẩm chưa đa dạng, chỉ mới tập trung vào sản phẩm phi- lê đông lạnh, chưa được tăng giá trị bằng cách chế biến. Điều này đã làm mất đi sự đa dạng sản phẩm cho khách hàng lựa chọn.

Với ý kiến này, ông Rosenberger - Phó Tổng Giám đốc điều hành Công ty Nienstedt (Đức), nhà cung cấp công nghệ chế biến thực phẩm tiện dụng (convenience food) cho biết: “Với người Châu Âu, khi ăn mà nghe mùi cá là họ không chịu. Vì vậy những sản phẩm như cá thanh là thực phẩm phổ biếnvì ăn không còn nghe mùi cá, dễ làm chín và quan trọng là nó có âm thanh giòn, hấp dẫn khi ăn”. Theo số liệu thống kê, hàng năm ở Đức tiêu thụ gần 60 ngàn tấn cá thanh .Cũng theo ông Rosenberger, các công ty nên chú ý hơn đến phần đóng gói, kiểu mẫu hấp dẫn, thu hút sự chú ý và nên dần đưa ra các sản phẩm sinh học hữu cơ (sản phẩm xanh) đang được thị trường châu Âu quan tâm.

Theo các chuyên gia tại Hội thảo, người tiêu dùng thế giới sử dụng ngày càng nhiều các loại thực phẩm công nghiệp. Để thích ứng với yêu cầu này, ngành hàng cá tra Việt Nam cần có sự thay đổi theo hướng cung ứng các sản phẩm giá trị gia tăng như cá thanh, cá philê tẩm vảy... Cùng với yêu cầu hỗ trợ doanh nghiệp thủy sản đổi mới công nghệ chế biến, Hiệp hội Cá tra Việt Nam đề ra chương trình công tác năm 2015 và xây dựng nền tảng cơ bản cho bước phát triển năm 2016. Theo đó, Hiệp hội sẽ phối hợp với các bộ, ngành Trung ương, Ban chỉ đạo Tây Nam bộ và các địa phương vùng ĐBSCL xây dựng đề án tái cấu trúc ngành hàng cá tra gắn với tái cấu trúc ngành nông nghiệp, đồng thời, tiếp tục xây dựng thương hiệu cho sản phẩm cá tra.

Cũng nhân dịp này, Hiệp hội Cá tra Việt Nam đã trao giấy chứng nhận hội viên cho 60 hội viên gồm hội viên chính thức, hội viên liên kết và hội viên danh dự của Hiệp hội.

 
Bà Nguyễn Thị Huệ, đại diện VinaCert (ở giữa) nhận Giấy chứng nhận Hội viên chính thức của Hiệp hội Cá tra VN

 

Theo thống kê, năm 2014, giá trị thủy hải sản Việt Nam xuất khẩu đạt 7,8 tỷ USD, trong đó cá tra chiếm 22,6%. Thị trường xuất khẩu chủ yếu là Mỹ (22,3%), EU (18,2%). Riêng cá tra, ba sa xuất khẩu năm 2014 đạt 1,7 tỷ USD, chủ yếu là EU, trong đó Tây Ban Nha là thị trường lớn nhất (21%).

Nguyễn Huệ 


 

Share on Facebook   Share on Twitter Share on Google Share on Buzz
Địa chỉ: Tầng 4, tòa nhà 130 Nguyễn Đức Cảnh, Tương Mai, Hoàng Mai, Tp. Hà Nội
Điện thoại: 0243.634.1933
Fax: 0243.634.1137
Email: sale@vinacert.vn
Giấy phép đăng ký kinh doanh số:
0102152121
Cấp ngày: 18/11/2022 " cấp lần 5"
Tại Sở KH& Đầu tư TP.Hà Nội.
Bản quyền © 2007 - Thuộc về Công ty CP Chứng nhận và Giám định VinaCert
Đang online: 35
Tổng truy cập: 10570376