QMFS 2021+1 đề cập nhiều vấn đề và giải pháp quản lý chất lượng an toàn thực phẩm (15/10/2022)

Ngày 14/10/2022, tại Hà Nội, Hội thảo Khoa học Quản lý chất lượng và An toàn thực phẩm (Quality Management and Food Safety – QMFS 2021+1) đã diễn ra với sự tham gia của hơn 200 đại biểu.

Hội thảo có sự tham dự của TS. Nguyễn Như Tiệp - Cục trưởng Cục quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), ông Trần Việt Hòa - Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương), PGS. TS. Đào Thế Anh - Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam (VAAS), PGS. Huỳnh Quyết Thắng - Hiệu trưởng trường Đại học Bách khoa Hà Nội, PGS.TS Chu Kỳ Sơn - Viện Công nghệ Sinh Học & Công nghệ Thực Phẩm (Trường ĐH BKHN), GS.TS. Phạm Văn Thiêm - Chủ tịch Trung ương Hội Khoa học các sản phẩm thiên nhiên Việt Nam (VNPS) cùng các nhà quản lý, các nhà khoa học, các tổ chức quốc tế và các Doanh nghiệp.


PGS. Huỳnh Quyết Thắng phát biểu đề dẫn tại Hội thảo Quản lý chất lượng và an toàn thực phẩm – QMFS 2021+1 lần thứ 6. Ảnh: Vũ Hải

Phát biểu đề dẫn tại hội thảo, cùng với giới thiệu năng lực đào tạo các ngành, lĩnh vực liên quan đến phân tích, nghiên cứu, quản lý chất lượng ATTP của trường, PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng, Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, khoa học về sức khỏe là một trong những ưu tiên hàng đầu của chính phủ Việt Nam trong phát triển khoa học công nghệ giai đoạn 2021-2030. Bên cạnh xây dựng hệ thống giám sát an toàn thực phẩm thì yêu cầu xây dựng một hệ thống kiểm soát thực phẩm an toàn và bền vững là yêu cầu hàng đầu, được quan tâm và hợp tác bởi các nhà khoa học, các bên liên quan.

Trên quan điểm đó, ông Nguyễn Song Hà, đại diện tổ chức Nông nghiệp và Lương thực của Liên hợp quốc (FAO) cho rằng, trên thế giới hiện nay, nỗ lực giữ an toàn thực phẩm được thực hiện bởi tất cả các bên liên quan trong chuỗi cung ứng thực phẩm: Chính quyền quốc gia quan tâm bằng cách thiết lập các hướng dẫn và tiêu chuẩn có liên quan; các nhà sản xuất thực phẩm quan tâm bằng cách áp dụng các tiêu chuẩn tốt; các nhà điều hành doanh nghiệp tham gia bằng cách tuân thủ các quy định; người tiêu dùng quan tâm bằng cách nhận thức được các phương pháp xử lý thực phẩm an toàn.


Ông Nguyễn Song Hà phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Vũ Hải

Theo ông Hà, dân số toàn cầu có thể đạt 9,7 tỷ người vào năm 2050, áp lực đối với các chuỗi cung ứng thực phẩm nông nghiệp rất lớn. Để giải quyết vấn đề sản xuất, cung cấp và đảm bảo an toàn thực phẩm, sẽ có ngày càng nhiều những nghiên cứu, ứng dụng đực áp dụng vào sản xuất lương thực, thực phẩm theo hướng thân thiện với môi trường và / hoặc lợi ích dinh dưỡng.

Tuy nhiên, việc phát triển những nguồn và hệ thống thực phẩm thay thế như: sản xuất côn trùng ăn được, các loại tảo, chất thay thế cho sản phẩm thực phẩm có nguồn gốc thực vật hay động vật và thực phẩm có nguồn gốc tế bào,… cần phải được đánh giá thật kỹ về các mối nguy an toàn thực phẩm.

Để đáp ứng nhu cầu lương thực, thực phẩm trong bối cảnh dân số đô thị đang phát triển nhanh chóng, các loại vườn trồng có quy mô khác nhau, sử dụng công nghệ canh tác trong nhà lưới, hệ thống thủy canh, aquaponic hoặc aeroponic,... đã được hình thành và đây chỉ là giải quyết bài toán trước mắt.

Vị đại diện của FAO nhấn mạnh rằng, các công nghệ mới có thể làm phát sinh rất nhiều chất gây ô nhiễm thực phẩm, việc ứng dụng tự động hóa, Al, dữ liệu lớn,… vào điều tra, khảo sát, phân tích và dự đoán rủi ro tiềm ẩn, quản lý chất lượng và truy xuất nguồn gốc các sản phẩm thực phẩm. Bên cạnh đó, cần đánh giá nghiêm ngặt các nguy cơ gây mất an toàn thực phẩm của các công nghệ mới trong sản xuất và đóng gói thực phẩm, bao gồm in 3D.

Một vấn đề được hội thảo quan tâm đó là hệ vi sinh vật trong hệ thống thực phẩm nông nghiệp và các sản phẩm theo chuỗi thức ăn không bị cô lập mà có thể tương tác với nhau. Bằng chứng là có ngày càng nhiều những lo ngại về việc chuyển kháng kháng sinh (AMR) từ các sinh vật thực phẩm sang hệ vi sinh vật đường ruột hoặc sự gia tăng AMR do tiếp xúc với thuốc kháng sinh hoặc dư lượng thú y cấp thấp.


Toàn cảnh hội thảo. Ảnh Vũ Hải

Để tăng cường tính bền vững về môi trường, chống lại nguy cơ cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, khái niệm kinh tế tuần hoàn gắn với tăng năng xuất sản xuất lương thực và hoàn nguyên đang ngày càng được thúc đẩy. Do đó, cần xem xét kỹ lưỡng các khía cạnh an toàn thực phẩm khác nhau trong mối liên hệ này.

Thực phẩm kém chất lượng là một vấn đề phức tạp gây mất niềm tin và sự an toàn của người tiêu dùng. Các chiến lược phát triển nông nghiệp cần giải quyết triệt để vấn đề này nhằm giữ niềm tin vào các quy định, tiêu chuẩn đối với thực phẩm nông nghiệp.

Tóm lại, cách các hệ thống thực phẩm nông nghiệp phát triển và biến đổi trong những thập kỷ tới sẽ có ý nghĩa sâu sắc đối với sức khỏe và phúc lợi kinh tế xã hội của chúng ta cũng như đối với môi trường toàn cầu. Nhận thức, khả năng và năng lực toàn cầu để quản lý an toàn thực phẩm cần phải phù hợp với sự tiến bộ khoa học công nghệ lĩnh vực này để đảm bảo rằng dân số thế giới ngày càng được nuôi dưỡng đầy đủ.

Sau các phát biểu đề dẫn và khai mạc, các đại biểu đã nghe TS. Nguyễn Như Tiệp - Cục trưởng Cục quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản (Bộ NN&PTNT) trình bày báo cáo về chủ đề “Đảm bảo chất lượng an toàn, minh bạch hệ thống thực phẩm”, bà Nguyễn Thị Minh Hà - Giám đốc Văn phòng Ủy ban Codex Việt Nam báo cáo “Quản lý chất lượng bằng tiêu chuẩn”, PGS.TS Đào Thế Anh – Phó giám đốc Viện Khoa học Nông nghệp Việt Nam báo cáo “Hệ thống thực phẩm Việt Nam – Đặc điểm và thách thức”,…

Cũng tại hội thảo, các nhà khoa học, nhà quản lý và đại diện doanh nghiệp đã cùng chia sẻ, công bố những kết quả nghiên cứu mới nhất về lĩnh vực an toàn thực phẩm với các chủ đề chính: (1) Các vấn đề mới nổi về an toàn thực phẩm trong bối cảnh đại dịch Covid-19; (2) Nghiên cứu phát triển sản phẩm nông sản thực phẩm; (3) Phương pháp và kỹ thuật phân tích kiểm soát an toàn thực phẩm; (4) Quản trị chuỗi cung ứng/chuỗi giá trị thực phẩm an toàn; (5) Hệ thống quản lý chất lượng trong lĩnh vực dịch vụ thực phẩm và đồ uống; (6) Kết hợp an toàn thực phẩm trên hệ thống thực phẩm; (7) Công nghệ và đổi mới về chất lượng, an toàn và truy xuất nguồn gốc trong chuỗi thực phẩm.


Ông Nguyễn Hữu Dũng, chủ trì hội nghị bàn tròn về Chương trình đào tạo ngành Công nghệ thực phẩm/An toàn thực phẩm. Ảnh: Vũ Hải

Ngoài các nội dung trình bày tại phiên toàn thể và phân ban Kỹ thuật, QMFS 2021+1 còn có Hội nghị bàn tròn về Chương trình đào tạo ngành Công nghệ thực phẩm/An toàn thực phẩm do ông Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Chứng nhận và Giám định VinaCert chủ trì; các workshop về Probiotics với chủ đề “Xu hướng thay thế kháng sinh trong chăn nuôi đảm bảo an toàn chuỗi thực phẩm” và workshop “Triển vọng tương lai của protein từ thực vật”.

“Quản lý chất lượng và an toàn thực phẩm” là chủ đề được quan tâm đặc biệt của các đơn vị quản lý, đào tạo, nghiên cứu, sản xuất và kinh doanh thực phẩm cũng như của toàn xã hội trong việc nâng cao năng lực đào tạo và nghiên cứu về quản lý chất lượng và ATTP; Đồng thời là sự kiện thiết thực chào mừng kỷ niệm 66 năm thành lập Trường Đại học Bách khoa Hà Nội (15/10/1956-15/10/2022). 

VinaCert

Share on Facebook   Share on Twitter Share on Google Share on Buzz
Địa chỉ: Tầng 4, tòa nhà 130 Nguyễn Đức Cảnh, Tương Mai, Hoàng Mai, Tp. Hà Nội
Điện thoại: 0243.634.1933
Fax: 0243.634.1137
Email: sale@vinacert.vn
Giấy phép đăng ký kinh doanh số:
0102152121
Cấp ngày: 18/11/2022 " cấp lần 5"
Tại Sở KH& Đầu tư TP.Hà Nội.
Bản quyền © 2007 - Thuộc về Công ty CP Chứng nhận và Giám định VinaCert
Đang online: 141
Tổng truy cập: 11045589