Đánh giá chứng nhận góp phần nâng cao vị thế thương hiệu cá tra trên trường quốc tế (29/12/2014)

Đó là một trong các nội dung quan trọng mà bà Lê Bảo Ngọc, đại diện Công ty Cổ phần Chứng nhận và Giám định VinaCert đưa ra trong Hội thảo “Vai trò của khu vực nuôi trong chuỗi giá trị ngành cá tra (Nông hộ, trang trại, công ty nuôi và vùng nuôi của xí nghiệp chế biến)”. Hội thảo do VCCI và Hiệp hội Cá tra Việt Nam tổ chức vào ngày 29/12/2014 tại Đồng Tháp nhằm định hướng một số giải pháp phát triển bền vững ngành cá tra.

Hội thảo được diễn ra dưới sự chủ trì của ông Nguyễn Việt Thắng – Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam và có sự tham dự của ông Phạm Văn Đông – Cục trưởng Cục Thú y; đại diện đến từ các Sở NN&PTNT, Chi cục Thủy sản các tỉnh, các Trung tâm giống thủy sản, trường ĐH Cần Thơ, các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra, hộ nuôi, các tổ chức chứng nhận…Đại diện Công ty Cổ phần Chứng nhận và Giám định VinaCert có bà Lê Bảo Ngọc.

  
Toàn cảnh Hội thảo

Theo Tổng cục Thủy sản và Chi cục Thủy sản các tỉnh ĐBSCL, lũy kế diện tích thả nuôi cá tra năm 2014 mới là 3.472ha và diện tích thu hoạch là 3.692ha (giảm 11,42% so với năm 2013), năng suất đạt trung bình khoảng 277 tấn /ha (trong khi năm 2013 là 279 tấn / ha). Các tỉnh có diện tích nuôi và sản lượng cao là: Đồng Tháp, An Giang, Bến Tre, Cần Thơ (chiếm 85% tổng diện tích và sản lượng cả nước).

Hiện nay cá tra của Việt Nam được xuất khẩu sang 149 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới nhưng ngành vẫn còn gặp phải nhiều khó khăn bất cập. Cụ thể tại Hội thảo, các diễn giả đã đưa ra những vướng mắc cần có định hướng kịp thời như: chất lượng con giống, nguồn nước ô nhiễm, tình hình dịch bệnh, ý thức sử dụng thuốc chữa bệnh, sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp, nguồn vốn vay, các chính sách hỗ trợ chưa kịp thời, rào cản thương mại, yêu cầu của thị trường, chồng chéo giữa các chứng nhận…

Theo đại diện Viện Nghiên cứu Thủy sản II, một trong những giải pháp cho việc hỗ trợ con giống, đó là: tiếp tục chọn lọc tăng trưởng, kết hợp kháng bệnh gan thận mủ; hoàn thiện quy trình nuôi cá bố mẹ, ương cá giống; áp dụng BMPs cho các hộ nuôi; cung cấp nguồn cá bố mẹ đã qua cải thiện di truyền…

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đưa ra các giải pháp để phát triển bền vững ngành hàng cá tra như: xây dựng thương hiệu cho cá tra, quy hoạch vùng nuôi cá tra, xây dựng chuỗi.

 
Bà Lê Bảo Ngọc, Đại diện VinaCert phát biểu tại Hội thảo

Phát biểu tại Hội thảo, Bà Lê Bảo Ngọc- Đại diện Công ty Cổ phần Chứng nhận và Giám định Vinacert đã giới thiệu một số thông tin về tầm quan trọng của chứng nhận trong xu thế chung để phát triển và gây dựng vị thế hình ảnh của con cá tra. Bà Ngọc cũng nhấn mạnh rằng khuyến khích và không ngừng phát triển thị trường nội địa cũng là một hướng đi quan trọng để người Việt Nam hoàn toàn tin cậy vào chất lượng sản phẩm hàng hóa Việt.

Hội thảo cũng đã nhận được đông đảo ý kiến của đại biểu về về vai trò của khu vực nuôi trong phát triển bền vững ngành cá tra, các mối liên kết trong chuỗi ngành, những vướng mắc hiện nay khi thực hiện Nghị định 36/2014/NĐ-CP và kế hoạch hành động cho năm 2015.

Hội thảo diễn ra vào những ngày kết thúc năm 2014 là cơ hội nhìn nhận đánh giá tổng kết những mặt được và còn thiếu sót nhằm định hướng một số giải pháp nuôi trồng thủy sản, hướng tới phát triển bền vững ngành hàng cá tra.

 
Nhân viên VinaCert tại Góc Tư vấn của Hội thảo

Nguyễn Huệ-VinaCert Cần Thơ

Share on Facebook   Share on Twitter Share on Google Share on Buzz
Địa chỉ: Tầng 4, tòa nhà 130 Nguyễn Đức Cảnh, Tương Mai, Hoàng Mai, Tp. Hà Nội
Điện thoại: 0243.634.1933
Fax: 0243.634.1137
Email: sale@vinacert.vn
Giấy phép đăng ký kinh doanh số:
0102152121
Cấp ngày: 18/11/2022 " cấp lần 5"
Tại Sở KH& Đầu tư TP.Hà Nội.
Bản quyền © 2007 - Thuộc về Công ty CP Chứng nhận và Giám định VinaCert
Đang online: 206
Tổng truy cập: 10484708