Khoa học công nghệ trong nông nghiệp: cần sự chuyển biến mạnh mẽ (05/04/2014)

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), trong giai đoạn 2001-2011, các hoạt động khoa học và công nghệ (KH&CN) nông nghiệp và phát triển nông thôn đã đóng góp khoảng 35% GDP của Ngành. Năng suất nhiều loại cây trồng, vật nuôi đã tăng đáng kể và đạt mức tiên tiến của thế giới như lúa, cà phê, cao su,... Tuy nhiên, việc ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp vẫn còn hạn chế.

Bứt phá trong ứng dụng KH&CN vào nông nghiệp  

KH&CN được ứng dụng rộng rãi trong nông nghiệp đã tạo ra hiệu quả lớn, góp phần đáng kể làm tăng năng suất và chất lượng của nông nghiệp trong những năm qua. Đã có trên 90% diện tích lúa, 80% diện tích ngô, 60% diện tích mía, bông, cây ăn quả,... được dùng giống mới. Khoảng gần 90% giống cây trồng, vật nuôi được chọn tạo, đưa tỷ trọng áp dụng giống tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp lên 35%. Áp dụng các quy trình canh tác tiên tiến, chương trình “3 giảm, 3 tăng”, canh tác bền vững, phòng trừ dịch hại tổng hợp IPM, sản xuất theo quy trình GAP.

Bộ NN &PTNT đã xây dựng Chiến lược phát triển KH&CN nông nghiệp và phát triển nông thôn giai đoạn 2011-2020 với mục tiêu đến năm 2015 thành tựu KH&CN đóng góp 40% GDP ngành nông nghiệp và 50% đến năm 2020. Sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao (CNC) và sản phẩm nông nghiệp ứng dụng CNC chiếm 30% giá trị sản xuất các sản phẩm chủ yếu đến năm 2015 và 50% vào năm 2020.

Phát triển nông nghiệp ở nông thôn cũng đồng nghĩa với việc thiết lập kiến thức cao về KHCN cho nông dân. Điều đó sẽ giúp nông thôn quy hoạch đất đai, khoanh vùng để giữ gìn “bờ xôi ruộng mật”, chỉ xây dựng công trường ở nơi thuận tiện và sân golf  - yếu tố quan trọng để phát triển du lịch - phải ở nơi không phải đất nông nghiệp, với con số hợp lý; Giúp nông thôn ứng dụng các phương pháp sản xuất hữu cơ, IPM, GAP để bảo vệ môi trường, các phương pháp xử lý làm sạch nước, nâng cao chất lượng nước dùng trong nông nghiệp; Đồng thời giúp nông thôn ứng phó được với thiên tai bão lụt, tìm giải pháp thích ứng khi khí hậu biến đổi và sẽ cho Việt Nam những giống lúa chống lụt (gene Sub1), chống mặn, phương pháp trồng hoa màu trên cát.

Mặc dù còn nhiều khó khăn, song năm 2008, Việt Nam đã xuất khẩu được 2,87 tỷ USD gạo, 2 tỷ USD cà phê, 1,6 tỷ USD cao su, 1,5 tỷ USD tôm và 1 tỷ USD cá tra. Đạt được con số này là một kết quả ngoạn mục. Nhưng thực ra đấy không phải do ta đã thành công trong việc tăng năng suất và chất lượng sản phẩm, mà do thị trường thế giới đang trong thời kỳ thiếu nguồn cung cấp nên đã trả với giá cao hơn. Như vậy rõ ràng cơ hội vẫn còn nhiều do thực phẩm càng lúc càng hiếm và nông sản càng lúc càng trở thành một mặt hàng có giá trị. Nếu nông sản được tăng thêm giá trị bằng cách chế biến, thì nông sản sẽ có giá trị cao hơn.

Với chỉ khoảng 10-11 triệu ha đất có thể canh tác nhưng lực lượng nông dân trẻ lại chiếm đa số, Việt Nam phải tính toán để phân bổ hợp lý đất, người và ưu tiên phát triển mặt hàng nông nghiệp nào kinh tế nhất cho thị trường trong và ngoài nước. Nếu nông thôn Việt Nam quyết tâm lột xác để xây dựng một hệ thống hạ tầng cơ sở tốt, một môi trường sản xuất thông thoáng và áp dụng một nền khoa học CNC, thì lực lượng nông dân trẻ sẽ trụ lại, xây dựng thành công một đất nước có cả nông nghiệp và công nghiệp hiện đại, vừa bảo đảm tính bền vững về an ninh lương thực vừa bảo đảm “môi trường xanh” cho Việt Nam.   

Khó khăn khi ứng dụng KHCN tiên tiến vào nông nghiệp

Tuy Việt Nam trở thành quốc gia hàng đầu thế giới về xuất khẩu gạo và một số mặt hàng nông sản khác, song đã đến lúc phải xem xét lại những yếu tố giúp nông nghiệp tăng trưởng như tài nguyên, đất đai, nguồn nhân công - bởi những yếu tố này không còn tác dụng quyết định.

Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân nhấn mạnh: “Khâu yếu kém nhất của ta hiện nay vẫn là bảo quản chế biến sau thu hoạch. Chính vì thế giá trị các mặt hàng nông sản xuất khẩu không cao; giá trị gia tăng trong nông nghiệp còn hạn chế. Vì thế, cần có sự tập trung đầu tư về KHCN cho nông nghiệp để nâng cao giá trị gia tăng của hàng nông sản”.

Theo Tổng cục Thống kê, từ năm 2000-2010, tổng mức đầu tư vào nông nghiệp của Việt Nam chỉ đạt 5-6% tổng chi ngân sách nhà nước, năm 2010 là 6,9%. Các chuyên gia nông nghiệp cho rằng, với mức đầu tư khiêm tốn như vậy, rất khó ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất nông nghiệp trong thời gian ngắn.

Những năm gần đây, Bộ KH&CN đã dành một số chương trình quốc gia phục vụ cho phát triển nông nghiệp nông thôn. Trong 9 sản phẩm quốc gia được Chính phủ phê duyệt, có 3 sản phẩm thuộc lĩnh vực nông nghiệp. Đó là lúa gạo chất lượng cao, cá da trơn và nấm ăn, nấm dược liệu.

Hiện nay, đã có nhiều đề tài nghiên cứu liên quan đến chuỗi sản phẩm quốc gia trong nông nghiệp. Tuy nhiên, sự liên kết để có chuỗi giá trị giữa nông dân, doanh nghiệp, viện, trường và nhà nước còn chưa thực sự gắn kết dẫn đến lãng phí và hiệu quả đạt được chưa cao. Mặt khác, nguồn vốn đầu tư cho KHCN trong nông nghiệp là chưa nhiều.

Phải đẩy mạnh cơ giới hóa trong nông nghiệp

Tiến sĩ Dương Thái Công, Hiệu trưởng Trường Đại học Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ cho rằng Nhà nước và người sản xuất đã ý thức được sự vận dụng khoa học kỹ thuật vào nông nghiệp, nhưng đa phần sử dụng thiết bị máy móc nhập khẩu. Do vậy, để tự chủ trong việc ứng dụng tiến bộ trong sản xuất nông nghiệp phải đẩy mạnh hơn công tác nghiên cứu; liên kết chặt chẽ hơn nữa giữa viện, trường, doanh nghiệp sản xuất máy nông nghiệp và nông dân trong việc ứng dụng kết quả nghiên cứu, sao cho người nông dân thực sự được hưởng lợi từ các thành quả về KHCN trong nông nghiệp.

Để nông nghiệp Việt Nam thích ứng với điều kiện hội nhập kinh tế toàn cầu, đã đến lúc phải thay đổi sự tăng trưởng theo chiều rộng sang chiều sâu. Hiệu quả, năng suất, giá trị gia tăng phải thay thế cho sản lượng. Cần có bước chuyển biến đồng bộ trong các khâu: tổ chức quản lý sản xuất, định hướng thị trường, đổi mới quy trình công nghệ trong sản xuất, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản nông sản, liên kết sản xuất - tiêu thụ, xây dựng chuỗi giá trị nông sản, khai thác các lợi thế so sánh, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, lao động…

Về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Quân nêu rõ: “Phải cơ giới hóa nông nghiệp. Muốn vậy, trong cơ chế chính sách đối với ruộng đất cần có sự điều chỉnh. Ngoài việc áp dụng cánh đồng mẫu lớn, phải cho phép tích tụ ruộng đất dưới nhiều phương thức khác nhau. Không có tích tụ ruộng đất, không có sản xuất lớn thì không có cơ giới hóa. Còn khi cơ giới hóa, năng suất lao động tăng, chất lượng tăng, người nông dân sẽ có thu nhập cao hơn, giá trị hàng hóa nông sản sẽ tốt hơn.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc phát triển KH&CN trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn phải mang tính bền vững, hiệu quả, trong đó cần quan tâm đến vai trò của người nông dân. TS Chu Tiến Quang, Viện Quản lý kinh tế T.Ư cho rằng, cần tăng cường hơn nữa công tác chuyển giao KH&CN cho người nông dân. Đây là một khoảng trống lớn từ trước tới nay vẫn chưa được lấp đầy. Để làm tốt việc đó, phải gắn kết giữa hệ thống nghiên cứu KH&CN Nhà nước với tư nhân, hợp tác xã, người nông dân. Hiện nay, có rất nhiều sáng tạo khoa học của người nông dân nhưng chưa được công nhận và tiếp sức kịp thời. 

VinaCert

Share on Facebook   Share on Twitter Share on Google Share on Buzz
Địa chỉ: Tầng 4, tòa nhà 130 Nguyễn Đức Cảnh, Tương Mai, Hoàng Mai, Tp. Hà Nội
Điện thoại: 0243.634.1933
Fax: 0243.634.1137
Email: sale@vinacert.vn
Giấy phép đăng ký kinh doanh số:
0102152121
Cấp ngày: 18/11/2022 " cấp lần 5"
Tại Sở KH& Đầu tư TP.Hà Nội.
Bản quyền © 2007 - Thuộc về Công ty CP Chứng nhận và Giám định VinaCert
Đang online: 51
Tổng truy cập: 10578992