Ngành chăn nuôi hướng tới chuyên nghiệp và hiệu quả (26/12/2019)

Đến năm 2040, ngành chăn nuôi sẽ là ngành kinh tế kỹ thuật hiện đại được công nghiệp hóa ở hầu hết các khâu: sản xuất, chế biến, tiêu thụ...


Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến chủ trì hội nghị 

Chiều 25/12/2019, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2008 - 2018 và định hướng phát triển chăn nuôi giai đoạn 2020 - 2030, tầm nhìn 2040.

Báo cáo tại hội nghị, Quyền cục trưởng Cục Chăn nuôi Nguyễn Xuân Dương cho biết, sau 10 năm triển khai Chiến lược, ngành chăn nuôi đã đạt được sự tăng trưởng khá cao và ổn định với tốc độ tăng trưởng trung bình khoảng 5-6%/năm, trong đó giai đoạn 2011-2015 đạt 4,5-5%, giai đoạn 2016-2018 đạt trung bình 6%/năm.

Theo đó, kết quả thực hiện Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2008 – 2018 đạt được trên nhiều phương diện: Sản lượng thịt các loại tăng hơn 1,5 lần (từ 3,6 triệu tấn lên 5,4 triệu tấn), trứng tăng 2,3 lần (từ gần 5 tỷ quả lên 11,6 tỷ quả), sữa tươi tăng 3,6 lần (từ 262,2 nghìn tấn lên 936,7 nghìn tấn).

Nổi bật nhất trong giai đoạn 10 năm vừa qua, ngành chăn nuôi đã có một số sản phẩm xuất khẩu: thịt lợn sữa, trứng vịt muối, mật ong, tổ yến, sữa và các sản phẩm từ sữa,… đem lại giá trị lớn cho nền kinh tế...

Bên cạnh những đột phá trong 10 năm 2008-2018, tại hội nghị, các địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội trong ngành chăn nuôi cũng chỉ ra nhiều hạn chế, khó khăn còn tồn tại như: Chăn nuôi nhỏ lẻ, thiếu quy hoạch; giết mổ nhỏ lẻ còn tồn tại phổ biến, công tác quản lí giết mổ vẫn còn chậm cải thiện, các cơ chế chính sách dành cho lĩnh vực này còn khó khăn trong việc áp dụng…

Giai đoạn 2020, cần tập trung tạo chuyển biến mạnh mẽ, đột phá hơn nữa về khâu giống, thụ tinh nhân tạo; xây dựng hệ thống hợp tác xã gắn với chuỗi liên kết theo giá trị; cải thiện môi trường trong của ngành chăn nuôi, cơ chế chính sách về đất đai, đồng cỏ dành cho chăn nuôi.

Đồng thời, đẩy mạnh chế biến sâu, nâng cao chuỗi giá trị gắn với đẩy mạnh xuất khẩu; đầu tư nguồn lực mạnh mẽ hơn nữa cho khâu sản xuất, chủ động nguồn vacxin phòng chống dịch bệnh nhằm ổn định sản xuất chăn nuôi trong nước…

Dự thảo Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2020 - 2030, tầm nhìn 2040 đưa ra 13 nhóm giải pháp cần tập trung và triển khai đồng bộ, trong đó, Nhà nước tập trung xây dựng cơ chế, chính sách để tạo lập môi trường đầu tư thuận lợi, khuyến khích mọi thành phần kinh tế đầu tư phát triển chăn nuôi.

Cụ thể, chăn nuôi lợn sẽ duy trì quy mô khoảng 29 triệu đến 30 triệu con; đàn gà thường xuyên có khoảng 400 triệu đến 450 triệu con; chăn nuôi trâu bò ổn định từ 2,4 triệu đến 2,6 triệu con; chăn nuôi dê cừu ổn định từ 4 triệu đến 4,5 triệu con… tầm nhìn đến 2040, ngành chăn nuôi phấn đấu trở thành ngành kinh tế kỹ thuật hiện đại được công nghiệp hóa ở hầu hết các khâu từ sản xuất, chế biến, kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết, Luật Chăn nuôi có hiệu lực từ 1/1/2020 sẽ tạo hành lang pháp lý cho phát triển ngành chăn nuôi giai đoạn mới. Các địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội tiếp tục nghiên cứu, đóng góp ý kiến để hoàn thiện cho Dự thảo Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2020 - 2030, tầm nhìn 2040 trình Chính phủ để làm sao chiến lược 10 năm sau vẫn còn tính thời sự, gắn với đời sống thực tế, đưa ngành chăn nuôi có bước chuyển biến tích cực./.

VinaCert

 

Share on Facebook   Share on Twitter Share on Google Share on Buzz
Địa chỉ: Tầng 4, tòa nhà 130 Nguyễn Đức Cảnh, Tương Mai, Hoàng Mai, Tp. Hà Nội
Điện thoại: 0243.634.1933
Fax: 0243.634.1137
Email: sale@vinacert.vn
Giấy phép đăng ký kinh doanh số:
0102152121
Cấp ngày: 18/11/2022 " cấp lần 5"
Tại Sở KH& Đầu tư TP.Hà Nội.
Bản quyền © 2007 - Thuộc về Công ty CP Chứng nhận và Giám định VinaCert
Đang online: 48
Tổng truy cập: 10574673