Cục Chăn nuôi tổ chức khóa tập huấn “Nâng cao nghiệp vụ đánh giá hiện trường TĂCN gia súc, gia cầm xuất nhập khẩu” (05/05/2017)

Nhằm nâng cao chất lượng hoạt động kiểm tra của chuyên gia đánh giá hiện trường, tạo sự đồng nhất về kỹ thuật đánh giá hiện trường của các đơn vị được chỉ định thực hiện kiểm tra, xác nhận chất lượng TĂCN gia súc gia cầm xuất khẩu, nhập khẩu, cuối tháng 04/2017 tại Hải Phòng, Cục Chăn nuôi đã tổ chức khóa “Tập huấn nâng cao nghiệp vụ đánh giá hiện trường TĂCN gia súc, gia cầm xuất khẩu, nhập khẩu” và cuộc thi “Nhân viên lấy mẫu chuyên nghiệp” cho 10 đơn vị được chỉ định.

Tham dự và chỉ đạo khóa tập huấn có ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Cục trưởng Cục Chăn Nuôi và ông Chu Đình Khu, Trưởng phòng TĂCN.

Công ty Cổ phần Chứng nhận và Giám định VinaCert có ông Ngô Văn Nam, Giám đốc Giám định cùng nhân viên các phòng ban liên quan; đại diện 10 doanh nghiệp được cơ quan nhà nước chỉ định thực hiện chứng nhận sự phù hợp các sản phẩm TĂCN gia súc, gia cầm xuất khẩu, nhập khẩu như: VinaCert; Trung tâm Khảo, kiểm nghiệm và kiểm định giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi; Công ty TNHH Giám định Vinacontrol TP. Hồ Chí Minh; Trung tâm dịch vụ phân tích thí nghiệm Tp. Hồ Chí Minh (CASE); Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng 2 và 3; Chi cục Thú y Hải Phòng… cùng tham dự.


Ông Nguyễn Xuân Dương phát biểu khai mạc khóa tập huấn

Phát biểu khai mạc khóa tập huấn, ông Nguyễn Xuân Dương nêu dẫn chứng: Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, trong các mặt hàng nhập khẩu, TĂCN đang là mặt hàng được quản lý tốt nhất, điều đó thể hiện ở: Thủ tục nhanh chóng, minh bạch, thuận lợi cho chủ hàng thông quan và tất cả lô hàng đều được kiểm tra, xác nhận chất lượng trước khi thông quan.

“Các doanh nghiệp được chỉ định đang thực thi một nhiệm vụ rất quan trọng, nhận được sự quan tâm chú ý của xã hội, tuy nhiên, việc thực hiện nhiệm vụ đó đã thực sự tốt hay chưa? Chúng ta phải nghiêm túc đánh giá rằng vẫn còn nhiều bất cập. Một trong những yếu tố có ý nghĩa quyết định đến việc kiểm tra, giám sát, chứng nhận sự phù hợp chất lượng TĂCN đó là hoạt động kiểm tra, đánh giá và ghi chép tại hiện trường. Tất cả các khâu còn lại phụ thuộc vào khâu này, nếu đánh giá mô tả về hàng hóa không đúng thì toàn bộ công việc về sau sẽ sai, doanh nghiệp thì mất tiền, nhà nước thì không quản lý được chất lượng và người chăn nuôi phải sử dụng sản phẩm không tốt, dẫn tới chất lượng sản phẩm chăn nuôi của chúng ta sẽ kém các nước khác…” ông Dương nhận xét.


Quang cảnh khóa tập huấn

Với ý nghĩa và tầm quan trọng của hoạt động đánh giá sự phù hợp chất lượng TĂCN nhập khẩu, Cục Chăn nuôi tổ chức khóa tập huấn “Nâng cao nghiệp vụ đánh giá hiện trường TĂCN gia súc, gia cầm xuất nhập khẩu” và cuộc thi “Nhân viên lấy mẫu chuyên nghiệp” nhằm giúp các đơn vị nâng cao hơn nữa kỹ năng đánh giá hiện trường, phục vụ công tác kiểm tra, xác nhận chất lượng TĂCN gia súc gia cầm xuất nhập khẩu, đồng thời, tạo sự đồng nhất về kỹ thuật kiểm tra đánh giá hiện trường giữa các đơn vị được chỉ định.

Đây cũng là hoạt động thiết thực liên quan đến kỹ năng và trách nhiệm của người đánh giá hiện trường, trách nhiệm của cơ quan giám sát nhằm phục vụ tốt hơn công tác quản lý nhà nước về sản phẩm TĂCN. Do đó, cần phải thống nhất kỹ năng hoạt động đánh giá hiện trường của các đơn vị: Ghi chép thế nào, màu, mùi cảm quan, mô tả các chỉ tiêu vật lý…

Cũng theo ông Dương, việc chuyên gia đánh giá hiện trường không thống nhất về kỹ thuật sẽ dẫn đến việc hoàn thiện hồ sơ sai, đánh giá cảm quan lô hàng sai,… và trách nhiệm trước tiên thuộc về chuyên gia đánh giá hiện trường.

“Mục tiêu quan trọng nhất của khóa tập huấn là chuyên gia hiện trường của 10 đơn vị được chỉ định phải thống nhất một quy trình kiểm tra giám sát, mô tả hiện trường; thống nhất chỉ tiêu đánh giá hiện trường, những biểu mẫu ghi chép đánh giá về mô tả hàng hóa, tính nguyên vẹn, tính đồng nhất, phương pháp lấy mẫu, chụp ảnh hiện trường… phải đồng nhất”- ông Nguyễn Xuân Dương nêu rõ.

Ngay sau phát biểu khai mạc của ông Nguyễn Xuân Dương, cuộc thi “Nhân viên lấy mẫu chuyên nghiệp” đã diễn ra dưới sự điều hành của Trưởng Ban giám khảo, ông Chu Đình Khu, Trưởng phòng TĂCN, Cục Chăn nuôi; các thành viên Ban Giám khảo gồm: Ông Ngô Văn Nam, Giám đốc Giám định VinaCert; ông Tô Thanh Phúc, Phó trưởng Phòng Giám định Công ty Vinacontrol và ông Vũ Tuấn Anh, Phó Giám đốc Chi nhánh VinaCert Hải Phòng, thư ký Ban Giám khảo.

Tham dự cuộc thi có 5 thí sinh, trong đó có 3 nhân viên đánh giá hiện trường của Công ty Cổ phần chứng nhận và Giám định VinaCert và 2 nhân viên của Trung tâm Khảo, kiểm nghiệm và kiểm định giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi.

Các thí sinh phải trải qua 2 phần thi: Thi lý thuyết, vấn đáp và phần thi nhận định sự không phù hợp qua video tình huống đã được dàn dựng.


Thí sinh trả lời câu hỏi ứng xử tình huống trong đánh giá hiện trường

Phần thi lý thuyết, vấn đáp có tổng điểm là 50, các thí sinh sẽ lần lượt lên bốc thăm câu hỏi và có 7 phút để chuẩn bị và trả lời (2 phút chuẩn bị, 5 phút trả lời). Nếu quá thời gian quy định, mỗi phút vượt quá sẽ bị trừ tương ứng là 5 điểm.


Thí sinh theo dõi và nhận biết các điểm không phù hợp xuất hiện trong video

Phần thi nhận định sự không phù hợp qua video tình huống có tổng điểm là 50, mỗi video có tối đa 10 điểm. Theo đó, mỗi thí sinh được nhận 1 tờ phiểu có nội dung tương ứng với từng video, sau khi xem xong video, mỗi thí sinh có 1 phút để tích vào các điểm phù hợp hay không phù hợp xuất hiện trong video đó. Mỗi tiêu chí trả lời đúng (tích dấu “x” đúng điểm phù hợp hay không phù hợp) được tính 1 điểm, xác định sai bị trừ 1 điểm.

Kết thúc mỗi phần thi, Ban Giám khảo đều đưa ra những nhận xét cụ thể về câu trả lời của các thí sinh, phân tích rõ điểm phù hợp và không phù hợp trong từng tình huống.


Lãnh đạo Cục Chăn nuôi tặng hoa và giấy khen các thí sinh tham dự cuộc thi

Chung cuộc, thí sinh có tổng điểm các phần thi cao nhất thuộc về nhân viên đánh giá hiện trường Phan Việt của VinaCert với 71/100 điểm, xếp loại giỏi.

Ngay khi kết thúc các phần thi, ông Nguyễn Xuân Dương, ông Chu Đình Khu (Cục Chăn nuôi), ông Ngô Văn Nam (VinaCert) và ông Tô Thanh Phúc (Vinacontrol) đã thực hiện điều hành khóa tập huấn, giải đáp các thắc mắc liên quan đến nghiệp vụ đánh giá hiện trường của các đơn vị.

Phát biểu tại khóa tập huấn, ông Nguyễn Xuân Dương đánh giá cao tinh thần tham gia học tập của 10 đơn vị được chỉ định.

“Qua tổng hợp ý kiến và kiến nghị của các tổ chức, thời gian tới, Cục Chăn nuôi sẽ có công văn gửi Tổng cục Hải quan và các cảng vụ về việc tạo điều kiện cho các chuyên gia đánh giá hiện trường thực hiện nhiệm vụ. Để làm được điều đó thì trước hết các tổ chức phải cùng nhau xây dựng được hình ảnh chung cho biển hiệu của nhân viên đánh giá hiện trường: logo có thể khác nhau nhưng kích cỡ biển hiệu, màu sắc,… phải tương đối đồng đều, dễ nhận  biết và tuân theo 01 mẫu chung”.

Ông Dương cũng bày tỏ: “Để đồng nhất kỹ thuật đánh giá hiện trường, trên cơ sở các quy trình của 10 đơn vị đã xây dựng, Cục Chăn nuôi sẽ xem xét quy trình nào được coi là “chuẩn” để các đơn vị khác tham khảo, coi đó là cái “khung” để áp dụng, xây dựng thành quy trình đánh giá hiện trường phù hợp với đặc thù của đơn vị mình.

Thanh Hải IRC
Share on Facebook   Share on Twitter Share on Google Share on Buzz
Địa chỉ: Tầng 4, tòa nhà 130 Nguyễn Đức Cảnh, Tương Mai, Hoàng Mai, Tp. Hà Nội
Điện thoại: 0243.634.1933
Fax: 0243.634.1137
Email: sale@vinacert.vn
Giấy phép đăng ký kinh doanh số:
0102152121
Cấp ngày: 18/11/2022 " cấp lần 5"
Tại Sở KH& Đầu tư TP.Hà Nội.
Bản quyền © 2007 - Thuộc về Công ty CP Chứng nhận và Giám định VinaCert
Đang online: 36
Tổng truy cập: 10578992